Để có kỳ nghỉ hè ý nghĩa, bổ ích với học sinh

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 24/05/2025 06:16 GMT+7

Nhiều địa phương yêu cầu không giao bài tập, không dạy thêm dịp hè. Điều các em học sinh cần nhất không phải là thêm kiến thức, mà là một mùa hè đúng nghĩa: khám phá – nghỉ ngơi.

Cứ mỗi dịp tháng 5, khi tiếng ve bắt đầu râm ran và hàng phượng đỏ rực một góc sân trường, cũng là lúc câu hỏi quen thuộc lại trở về trong nhiều gia đình: "Hè này cho con đi học thêm gì?" hoặc "Hè có được giao bài tập không?".

Trong khi đó, khái niệm "nghỉ hè" đúng nghĩa là được vui chơi, khám phá, nghỉ ngơi và học những điều ngoài sách vở, vẫn là điều xa xỉ với không ít học sinh Việt Nam.

Nghỉ hè không còn là... nghỉ

Khảo sát thực tế tại một số trường tiểu học, THCS ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều học sinh bắt đầu nghỉ hè từ cuối tháng 5, nhưng chỉ sau 1–2 tuần "thả lỏng", các em đã bị cuốn vào lịch học thêm dày đặc, từ các môn học chính như Toán, Văn, Tiếng Anh cho tới luyện chữ, học STEM, luyện thi chứng chỉ.

Chị Vũ Phương Thảo (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) thừa nhận: "Tôi biết, hè là thời gian để con nghỉ ngơi, nhưng nếu không học thêm, tôi sợ con bị tụt lại so với bạn bè. Áp lực ngầm đó rất lớn, đặc biệt là với những lớp chuyển cấp".

Để có kỳ nghỉ hè ý nghĩa, bổ ích với học sinh - Ảnh 1.

Với nhiều học sinh, nghỉ hè là chuyển từ lớp học chính khóa sang lớp học thêm. Ảnh minh hoạ.

Còn với học sinh, nghỉ hè đôi khi chỉ là "chuyển địa điểm học" – từ lớp chính khóa sang lớp học thêm, từ sách giáo khoa sang đề luyện thi. Em Nguyễn Khánh Minh, học sinh lớp 6 tại Hà Nội, chia sẻ: "Mỗi tuần con học thêm 5 buổi Toán, Văn, tiếng Anh. Chủ nhật mới được đi chơi, nhưng cũng phải tranh thủ làm bài tập thầy cô giao trước".

Học sinh cần một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, mùa Hè không nên là phần nối dài của năm học, mà là khoảng thời gian quý giá để học sinh rèn luyện kỹ năng sống, phát triển thể chất, cảm xúc và khám phá bản thân trong môi trường không áp lực.

PGS.TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý giáo dục – nhấn mạnh: "Trẻ em không cần thêm bài tập về nhà trong dịp hè. Các em cần được tiếp xúc với thiên nhiên, với lao động thực tế, với nghệ thuật, thể thao, những điều mà chương trình chính khóa chưa có điều kiện cung cấp".

Ông Nam cho rằng một mùa hè lý tưởng là khi trẻ em có cơ hội được làm việc nhà, học nấu ăn, tự lên kế hoạch đi chơi cùng bạn bè, tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc đăng ký một khóa học kỹ năng như bơi lội, sơ cứu, làm phim, làm vườn...

Mới đây nhất, Hà Nội là địa phương tiếp theo yêu cầu không tổ chức dạy thêm với học sinh dịp nghỉ hè. Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục cần lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu, kém; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Sở cũng yêu cầu không tổ chức dạy trước chương trình; ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2025 – 2026.

Để có kỳ nghỉ hè ý nghĩa, bổ ích với học sinh - Ảnh 2.

Các lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước dành cho học sinh dịp nghỉ hè. Ảnh minh hoạ.

Trong dịp nghỉ hè, các hoạt động tập trung vào các nội dung giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc và phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống ứng phó với thiên tai, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, xâm hại, bạo lực trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, dịch bệnh, các chất gây nghiện "núp bóng"... Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng sống và tập luyện thể dục thể thao; khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở câu lạc bộ, thư viện, nhà văn hóa, sân chơi thể thao... của địa phương, nhà trường.

Tại TP Hồ Chí Minh, mô hình "Học hè không sách vở" đang được nhiều trường học thử nghiệm, trong đó học sinh chỉ tham gia các lớp ngoại khóa như vẽ tranh, làm đồ thủ công, tham quan bảo tàng, học nhảy dân vũ, làm quen nghề nghiệp… Chương trình được thiết kế linh hoạt, không có kiểm tra, đánh giá.

Ở Đà Nẵng, một số quận huyện tổ chức chương trình "Hè xanh cùng thư viện" – nơi trẻ em được mượn sách miễn phí, tham gia câu lạc bộ kể chuyện, làm báo tường, thảo luận theo chủ đề. Các hoạt động được phối hợp giữa trường học, thư viện công cộng và đoàn thanh niên.

Tại Lào Cai, chương trình "Làm bạn với thiên nhiên" đã đưa hàng trăm học sinh miền núi trải nghiệm cắm trại, học trồng rau, chăm vật nuôi, làm đồ thủ công từ vật liệu tái chế – giúp các em có thêm hiểu biết về môi trường sống và lối sống xanh.

Cha mẹ cần thay đổi tư duy, nhà trường cần mạnh dạn đổi mới

Một chuyên gia phát triển chương trình ngoài nhà trường nhìn nhận, chính phụ huynh và nhà trường đóng vai trò quyết định để một mùa Hè trở nên bổ ích. "Nếu cha mẹ vẫn coi trọng điểm số, vẫn nhồi nhét lớp học thêm, thì trẻ em khó có cơ hội tận hưởng tuổi thơ. Cần thay đổi tư duy: hè là để học điều mới, không nhất thiết là kiến thức sách vở".

Để có kỳ nghỉ hè ý nghĩa, bổ ích với học sinh - Ảnh 3.

Học sinh cần một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Ảnh minh hoạ.

Nhà trường cũng cần mạnh dạn từ chối giao bài tập hè máy móc. Thay vào đó, có thể khuyến khích học sinh ghi nhật ký mùa Hè, viết cảm nhận sau chuyến đi, hoặc làm một dự án nhỏ theo sở thích cá nhân – vừa tự nguyện, vừa sáng tạo.

Học sinh nghỉ hè không có bài tập, không có lớp học thêm thì không đồng nghĩa với sự buông lỏng. Trái lại, đó là thời gian quý báu để trẻ em trưởng thành một cách tự nhiên, tự do và tự tin hơn, nếu được định hướng đúng và trao quyền lựa chọn.

Bởi đôi khi, những điều một đứa trẻ học được từ việc chăm em, đi chợ, vẽ tranh, đọc sách, giúp việc nhà hay đơn giản là chơi trò tưởng tượng cùng bạn bè… lại quan trọng không kém những giờ luyện thi khô khan.

Một mùa Hè thật sự với nắng, gió, những bước chân rong chơi và những trải nghiệm sống động – cũng là một phần không thể thiếu để nuôi dưỡng tuổi thơ đủ đầy, trước khi các em quay trở lại bàn học với một tâm thế mới: nhẹ nhõm, sẵn sàng và đầy cảm hứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước