Mỗi mùa tuyển sinh, hàng triệu sĩ tử lại đứng trước ngã rẽ quan trọng của cuộc đời: chọn ngành học nào để không chỉ có một công việc ổn định mà còn phát triển sự nghiệp trong kỷ nguyên số đầy biến động? Câu hỏi tưởng chừng quen thuộc ấy nay đã mang một sắc thái hoàn toàn mới. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) và công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, việc lựa chọn ngành học không đơn thuần là chọn một chuyên môn, mà là xác định vị thế của bản thân trong "bản đồ" nghề nghiệp tương lai. Để không bị bỏ lại phía sau, thế hệ lao động mới không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn phải trang bị khả năng thích ứng nhanh chóng, làm chủ công nghệ và sẵn sàng dẫn dắt sự thay đổi. Cuộc đua vào tương lai đã bắt đầu, và "vũ khí" chiến lược chính là tri thức và công nghệ.
Công nghệ "tái vẽ" bản đồ nghề nghiệp toàn cầu
Trong khi hàng trăm nghìn học sinh và phụ huynh còn đang loay hoay với bài toán chọn ngành truyền thống, thế giới bên ngoài đang chứng kiến một cuộc tái cấu trúc sâu rộng của thị trường lao động. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã khẳng định tại Diễn đàn “Phát triển xung lực mới cho quốc gia”: “Chúng ta muốn sánh vai với các dân tộc tiên tiến? Vậy thì cần một cuộc chiến mới – chiến thắng bằng tri thức, bằng công nghệ”. Chia sẻ này không chỉ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ mà còn cảnh báo về cuộc tái cấu trúc toàn diện của thị trường lao động, nơi những kỹ năng cũ không còn đủ để tồn tại.
Dưới tác động mạnh mẽ của Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển nguồn nhân lực quốc gia, bức tranh nghề nghiệp đang được định nghĩa lại một cách sâu sắc theo hướng công nghệ hóa. Những lĩnh vực như AI & Khoa học dữ liệu đang nổi lên như "chìa khóa vàng" mở ra cơ hội trong mọi ngành, từ tài chính đến y tế và logistics. An ninh mạng và điện toán đám mây trở thành những trụ cột không thể thiếu khi nền kinh tế ngày càng số hóa toàn diện. Ngay cả các ngành tưởng chừng truyền thống như Kinh tế, Marketing, Quản trị cũng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi tư duy công nghệ và hiểu biết về hệ thống số.
Bài toán chọn ngành "khốc liệt" trong kỷ nguyên AI
Sự trỗi dậy của AI và nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra một bài toán chọn ngành, chọn nghề khó khăn hơn bao giờ hết. Ông Lê Thanh Tùng – Thành viên HĐQT VietinBank – đã chỉ rõ: “Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu chậm chân, chúng ta không chỉ lạc hậu mà còn có nguy cơ bị thay thế… Yếu tố quyết định nằm ở đâu? Theo tôi, chính là ở con người”.
Điều này đồng nghĩa với việc, những lựa chọn mang tính cảm tính hay dựa trên xu hướng nhất thời sẽ không còn là "bước đi an toàn". Để xây dựng một lực lượng lao động tinh nhuệ, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường, cần một phương án đào tạo bài bản, hướng tới việc tạo ra những con người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn làm chủ công nghệ, làm chủ AI. Tầm nhìn xa hơn đã được ông Trương Gia Bình chia sẻ: “Khi thế giới lo lắng AI có làm mất công việc của con người hay không thì người Việt Nam phải nghĩ xa hơn về việc đào tạo lực lượng lao động Việt Nam sẽ là lực lượng toàn cầu… Người Việt Nam phải là nguồn lực của cả thế giới”.
Đào tạo nguồn nhân lực chiến lược: Yêu cầu sống còn trong kỷ nguyên số
Việc lựa chọn ngành học hôm nay không chỉ là quyết định cho 3-5 năm tới mà còn là sự định hình vai trò của mỗi cá nhân trong 10, thậm chí 20 năm sau. Quyết định này không nên chỉ dựa trên những "ngành hot" hay điểm chuẩn nhất thời, mà cần một tầm nhìn xa hơn về xu thế nhân lực trong tương lai, nhu cầu thực tế của thị trường lao động và khả năng phát triển những năng lực cốt lõi như chuyển đổi, sáng tạo và thích nghi. Trong bối cảnh AI và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, đào tạo nhân lực không chỉ là đuổi theo hay học hỏi mà là vận dụng và làm chủ cuộc chơi này.
Một số cơ sở giáo dục đại học đã nhanh chóng có những động thái mạnh mẽ trong việc đào tạo nguồn nhân lực chiến lược, trang bị cho sinh viên kỹ năng về công nghệ và ngoại ngữ. Tiêu biểu như tại Trường Đại học FPT (FPTU) với chương trình Kỹ sư 57, đào tạo lớp nhân lực tiên phong làm chủ AI, vận hành hệ thống số hóa, quản trị công và triển khai thực tế các dự án chuyển đổi số quốc gia. Đây là lực lượng có thể tham gia thực thi trực tiếp Nghị quyết 57-NQ/TW tại các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp – đồng hành cùng lực lượng chủ lực “tác chiến” trên mặt trận công nghệ của quốc gia.
Trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ, khi AI dần trở thành trụ cột của nền kinh tế số, giáo dục đại học cần một bước chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Với định hướng phát triển toàn diện dựa trên nền tảng công nghệ và AI, các trường đại học đang từng bước kiến tạo một lực lượng nhân sự có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây là những người không chỉ thích ứng với chuyển đổi số mà còn có khả năng dẫn dắt tiến trình đó. Việc chọn ngành hôm nay, vì thế, không còn là một quyết định ngắn hạn mà là một bước đi chiến lược, một "tấm vé" định vị bản thân trong xã hội số tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!