Văn hóa đọc trong thời đại AI

Vĩnh Khánh (theo Xinhuanet)-Thứ hai, ngày 12/05/2025 05:55 GMT+7

Khu vực đọc sách của Thư viện TP Bắc Kinh

bangdatally.xyz - Kỷ nguyên AI đang định hình lại văn hóa đọc sách. Thói quen, mối quan tâm của độc giả và chính vai trò cầu nối đến tương lai của việc đọc đang thay đổi ra sao?

Bất chấp sự trỗi dậy của công nghệ, sách giấy vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống của công chúng. Nhiều người vẫn dùng sách giấy để đọc hằng ngày, đề cao tính truyền thống, sự tập trung và tiện lợi khi có thể ghi chú trực tiếp.

Sách điện tử song hành cùng sách giấy truyền thống

Tại Giang Tô (Trung Quốc), tỷ lệ đọc của người dân đạt 90,3%, với số lượng sách giấy bình quân đầu người tăng lên 5,5 cuốn mỗi năm. Hay tại Quảng Châu, báo cáo đầu năm 2025 cho thấy, độc giả bình quân đọc tới 23,98 cuốn sách giấy.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hình thức đọc kỹ thuật số như sách điện tử, sách nói, đặc biệt thu hút giới trẻ nhờ tính tiện lợi và đa dạng tính năng. Các nền tảng số như Duwen thống kê sự gia tăng nhanh chóng của độc giả trẻ và số lượng tác phẩm đọc trung bình mỗi năm. Theo nền tảng này, độc giả dưới 30 tuổi chiếm gần 40% tổng số người dùng mới  và số lượng tác phẩm đọc bình quân hàng năm của mỗi độc giả đã tăng từ 28 lên 31 tác phẩm. 

Văn hóa đọc trong thời đại AI - Ảnh 1.

Độc giả đọc sách tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc. (Ảnh: Xinhuanet)

Zhongshan Xiao - một ứng dụng đọc sách khác - ghi nhận số sách đọc và thời gian đọc bình quân của người dùng tăng gấp đôi chỉ sau vài năm, từ khoảng 5 cuốn và 20 giờ (năm 2020) lên khoảng 10 cuốn và 40-50 giờ trong giai đoạn 2022-2024. Trong thời đại mà các video ngắn chiếm hết thời gian của người dùng, việc tăng thời gian đọc là rất có giá trị

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở người trẻ, nhiều độc giả có kinh nghiệm và các chuyên gia cũng tích cực sử dụng sách điện tử vì sự tiện lợi, đồng thời kết hợp linh hoạt nhiều định dạng đọc khác nhau cho những mục đích sử dụng khác nhau.

Các nhà xuất bản và thư viện cũng nắm bắt xu thế này, đẩy mạnh chuyển đổi số và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ mảng nội dung điện tử. Nhà xuất bản Nhân dân Văn học ghi nhận doanh thu từ mảng kỹ thuật số tăng trưởng trên 20% mỗi năm. Họ xem sách giấy và sách điện tử là hai con đường song song cùng thúc đẩy văn hóa đọc.

Sự trở lại của các tác phẩm kinh điển

Các chủ đề về chính trị quốc tế, kinh tế, công nghệ thu hút sự chú ý rộng rãi, thể hiện qua danh mục sách bán chạy và tìm kiếm tại các nhà sách lớn. Hầu hết là những cuốn sách gắn liền với các sự kiện văn hóa, lịch sử hay các tác phẩm liên quan đến phim ảnh, game…

Song song với việc cập nhật các chủ đề thời sự, độc giả đang có xu hướng quay lại với các tác phẩm kinh điển. Trên nền tảng số, những danh tác như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký hay các tác phẩm đương đại kinh điển như Bờ phải sông Argun, Nhân thế gian ghi nhận sức hút mạnh mẽ và liên tục đứng đầu bảng xếp hạng.

Những tác phẩm Trung Quốc cổ đại cũng vượt ra ngoài biên giới. Thông qua các nền tảng đọc sách trực tuyến, các tác phẩm tiếng Trung được dịch thuật và tiếp cận hàng trăm triệu độc giả quốc tế, trở thành cầu nối quảng bá văn hóa hiệu quả. Đến cuối năm 2024, tập đoàn Duwen đã giới thiệu hơn 6.800 tác phẩm văn học mạng Trung Quốc dịch sang tiếng nước ngoài tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút gần 300 triệu người dùng quốc tế. Đáng chú ý, năm ngoái đã có 10 tác phẩm văn học mạng của Duwen được đưa vào bộ sưu tập của Thư viện Anh Quốc.

Văn hóa đọc trong thời đại AI - Ảnh 2.

Đọc sách giấy vẫn là thói quen được nhiều người yêu thích. (Ảnh: Xinhuanet)

Từ không gian đọc đến địa điểm văn hóa

Các không gian đọc đang thay đổi để mang lại những trải nghiệm độc đáo. Thư viện không chỉ là nơi mượn sách mà còn là không gian trải nghiệm văn hóa với các triển lãm điển tịch cổ và các thiết kế ấn tượng hay công nghệ tương tác 3D. Nơi đây trở thành nơi kết nối con người, tìm kiếm sự chữa lành và mang lại nhiều giá trị về tinh thần.

Mô hình "Hơn cả một nhà sách" cũng nở rộ. Các nhà sách không chỉ bán sách mà còn tạo ra không gian giáo dục văn hóa, kết nối với di sản địa phương, tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa mỗi năm như giao lưu tác giả, hội thảo, câu lạc bộ đọc sách, xây dựng cộng đồng, tăng cường sự gắn kết.

Các nhà sách hướng tới trở thành những địa điểm văn hóa sâu sắc, nuôi dưỡng tinh thần nhân văn. Bên cạnh đó, các không gian văn hóa công cộng nhỏ hơn như các phòng sinh hoạt, công viên cũng cung cấp dịch vụ đọc tại chỗ, đặc biệt chú trọng vào việc đọc sách của trẻ nhỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước