Sư kiện nhằm giới thiệu và tôn vinh di sản gốm Nam Bộ qua nhiều hình thức tương tác bao gồm triển lãm trực tuyến trên website của thư viện và loạt talkshow, workshop trực tiếp tại Đường sách.
Trên nền tảng số, triển lãm Đất lành hóa ngọc được xây dựng bằng hệ thống poster trực quan tích hợp mã QR, cho phép người xem dễ dàng truy cập các tư liệu chuyên sâu: bài viết nghiên cứu, hình ảnh minh họa, tư liệu nghe nhìn cùng bộ sưu tập gốm quý. Ban tổ chức kỳ vọng với cách triển khai này, công chúng có thể tiếp cận không gian trưng bày mọi lúc, mọi nơi, đồng thời tự do khám phá lịch sử, kỹ thuật và giá trị văn hóa của từng hiện vật.
Triển lãm trưng bày tại Đường sách TP Hồ Chí Minh
Điểm nhấn của triển lãm là những họa tiết cổ xưa trên gốm Sài Gòn được nghệ nhân đương đại tái hiện, chuyển hóa thành các đường nét mới mẻ, hiện đại, giữ được tinh thần tối giản nhưng vẫn đậm chất thanh lịch. TS. Nguyễn Thị Hậu nhận định: "Mỗi tác phẩm gốm là một câu chuyện được kể bằng đường nét, màu men, họa tiết, phản ánh khát vọng vươn tới cái đẹp và cái thiện của con người. Từ hình ảnh phong cảnh, hoa lá, thú vật mang những ý nghĩa cát tường, tất cả đều được chọn lọc và thể hiện bằng tâm ý sâu sắc".
Trên không gian vật lý tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, trong suốt tuần lễ, khán giả sẽ có cơ hội tham dự chuỗi talkshow với các chủ đề từ lịch sử hình thành các làng nghề, công đoạn chế tác đến ứng dụng công nghệ hiện đại trong phục chế gốm truyền thống. Bên cạnh đó, các workshop do nghệ nhân gốm tổ chức sẽ hướng dẫn công chúng tự tay tạo ra sản phẩm gốm cơ bản, từ việc nặn đất đến tráng men.
TS. Nguyễn Thị Hậu trong cuộc trò chuyện mở đầu cho chuỗi chương trình Gốm Nam Bộ - Dấu ấn trăm năm
Triển lãm giới thiệu hàng loạt dòng gốm đặc trưng của Nam bộ: gốm Sài Gòn, gốm Cây Mai - Đề Ngạn, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu, gốm Vĩnh Long và gốm An Giang. Mỗi loại gốm là kết tinh của lịch sử hình thành, nét văn hóa địa phương và kỹ thuật chế tác tinh xảo. Từ lớp men óng ánh đến dáng hình mộc mạc, những hiện vật này đang chờ được công chúng nhìn nhận, trân trọng và tiếp tục truyền lửa sáng tạo.
Với mô hình kết hợp truyền thống và công nghệ, sự kiện là điểm đến văn hóa hấp dẫn, đưa di sản gốm ngày càng gần gũi hơn với công chúng hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!