Đất lành cho quả ngọt
Những ngày này, ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, đi đâu cũng thấy màu đỏ rực của vải chín. Những chùm vải thiều trĩu quả, tiếng xe tải ra vào tấp nập,... như báo hiệu một mùa thu hoạch bội thu.
Tại xã Ea Sar, anh Lê Văn Thưởng (31 tuổi) là một trong những hộ trồng vải lâu năm và đang sở hữu 15 ha vải U hồng. Theo anh Thưởng, cây vải phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, không tốn nhiều chi phí, năng suất ổn định và đặc biệt là cho thu hoạch sớm hơn các vùng khác.
Vải chín sớm, người dân ở Đắk Lắk vui mừng vì được giá cao.
Năm ngoái, mỗi hecta vải của gia đình anh Thưởng cho sản lượng khoảng 15 tấn quả. "Cây vải đang dần khẳng định là cây trồng chủ lực tại xã Ea Sar, nhiều hộ nông dân thu lãi từ 200 triệu đến cả tỷ đồng mỗi hecta (tùy theo giá bán và sản lượng)", anh Thưởng hồ hởi nói. Không chỉ vậy, cây vải còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Ông Lê Văn Long (56 tuổi) cho biết, cách đây 10 năm, gia đình ông đến xã Ea Sar lập nghiệp. Mang theo kinh nghiệm từ vùng vải nổi tiếng của miền Bắc, ông mạnh dạn trồng 5ha vải thiều U hồng. Ban đầu ông Long chỉ trồng thử nghiệm. Thế nhưng, cây vải phát triển rất tốt, trái to, mẫu mã đẹp, chín sớm hơn vải miền Bắc nên thương lái tìm đến tận vườn thu mua.
Anh Lê Văn Thưởng phấn khởi khi vụ thu hoạch vải được mùa, được giá.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ giống vải U hồng, gia đình ông Long mở rộng diện tích, đến nay đã sở hữu hơn 26ha vải thiều. Năm 2024, vườn vải của gia đình ông cho sản lượng hơn 100 tấn quả. Năm nay, dự kiến vượt mốc 200 tấn. Mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch và xuất bán từ 20 – 30 tấn vải. Với giá hiện tại khoảng 58.000 đồng/kg, mỗi hecta vải mang lại thu nhập cho ông Long trên 1 tỷ đồng.
"Không chỉ mang lại nguồn thu lớn, vườn vải của tôi còn tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương mỗi ngày. Từ người cắt vải, phân loại, đóng gói đến vận chuyển – tất cả đều được thuê mướn theo ngày, với mức thu nhập ổn định từ 250-350.000 đồng/ngày", ông Long tiết lộ.
Liên kết sản xuất để phát triển thị trường
Anh Vi Văn Biển (quê tỉnh Bắc Giang) – thương lái chuyên thu mua vải – cho biết, hiện giá vải dao động từ 55.000 – 65.000 đồng/kg. Vải ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk được mùa, sản lượng cao năm ngoái. Anh Biển thu mua vải để xuất khẩu sang Trung Quốc, một phần còn lại tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh.
Rất nhiều nông dân ở tỉnh Đắk Lắk cho biết, để cây ra hoa, đậu quả, nhà vườn phải khoanh gốc, siết nước nhằm kích thích cây cho trái sớm. Tuy nhiên, giá vải trên thị trường còn nhiều biến động và thiếu ổn định.
Nhiều hộ nông dân ở Đắk Lắk trúng đậm vải thiều và nở nụ cười thật tươi.
Để tiến tới sản xuất bền vững, nhiều nông dân trồng vải đã liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã… để thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Văn Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Ea Sar cho hay, tổng diện tích vải trên địa bàn là 400ha. Trong đó, có 320ha cho thu hoạch, còn lại 80ha đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Sản lượng vải năm 2024 đạt khoảng 1.500 tấn. Năm nay, các vườn vải được mùa, dự kiến sản lượng khoảng 5.000 tấn.
"Trong những năm qua, cây vải đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Trong đó, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống", ông Thìn thông tin. Cũng theo ông Thìn, sắp tới chính quyền sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị liên kết sản xuất và tiêu thụ trái vải tươi năm 2025. Mục tiêu thông qua hội nghị nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, có nhiều kênh thông tin để các đối tác, doanh nghiệp và nông dân cùng tiêu thụ cây vải thiều, đem lại lợi nhuận bền vững, ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!