Một buổi sáng mùa hè tháng 5, Hà Yến lại cùng chiếc ván lướt sóng rẽ nước trên bãi biển vắng ở Cam Ranh. Mái tóc ướt sũng, gương mặt rám nắng, ánh mắt sáng bừng khi kể về hành trình 2 năm gắn bó với môn thể thao mà chị gọi là "liệu pháp chữa lành" của chính mình.
"Mình từng thử qua nhiều môn thể thao. Nhưng chỉ đến khi chơi lướt sóng, mình mới cảm nhận rõ ràng cơ thể và tâm trí như được tái sinh, cơ thể tiết ra dopamine – cái gọi là ‘hormone hạnh phúc’. Sau mỗi buổi chơi, người mình nhẹ tênh, ngủ ngon hơn. Và quan trọng nhất, mình tìm lại được chính mình, giữa những giai đoạn chông chênh nhất của cuộc đời."
Dù không biết bơi, Hà Yến vẫn dấn thân vào môn lướt sóng và thực hiện được những kỹ năng khó.
Là người Bắc Ninh, Yến bén duyên và quyết định sinh sống ở Nha Trang cũng nhờ lướt sóng. Chị từng có chuyến đi rong ruổi tới Mũi Né, Đà Nẵng, Phan Rang – những nơi có bãi biển phù hợp để chơi lướt sóng, và đã chọn Bãi Dài, Cam Ranh là điểm dừng dài hơi. Nơi đây, không chỉ có biển đẹp và yên bình, mà còn có cộng đồng những người yêu biển, yêu sóng, yêu sự sống.
Nơi những người trẻ dấn thân vì đam mê
Một trong những điểm đến chị Hà Yến thường lui tới để tập luyện là Cam Ranh Surf Camp – do anh Nguyễn Hồng Nhân, một người con bản địa sáng lập sau khi trở về từ Mũi Né. Đây cũng là đơn vị tiên phong ở Nha Trang lan tỏa môn thể thao còn mới mẻ này ở Việt Nam.
"Mình yêu thiên nhiên, yêu thể thao. Dù có giai đoạn khó khăn vì thiên tai, thời tiết xấu, nhưng lúc nào làm việc mình cũng thấy hạnh phúc, hào hứng để theo đuổi đam mê chứ không nản lòng", anh Nhân chia sẻ.
Đây không chỉ là nơi dạy kỹ năng, mà là điểm tụ họp của những người trẻ "vì yêu mà đến". Có người đến chỉ để thử một lần, rồi ở lại vài tháng. Có bạn chưa biết gì, nhưng khi đã lên sóng, chỉ muốn mau mau quay trở lại để rồi chơi tiếp. Hiện tại, Cam Ranh Surf Camp có 5 nhân sự chính, bao gồm cả người địa phương và những "kẻ mộng mơ" chọn biển làm nhà.
Bãi biển trong xanh với bờ cát trắng mịn trải dài.
Những chiếc ván có giá từ 7 triệu lên tới 20 triệu đồng.
Với sự hướng dẫn của huấn luyện viên, chỉ sau khoảng 30 phút, người mới đã có thể nắm những động tác cơ bản, làm quen với ván, học cách đọc sóng, giữ thăng bằng. Và rồi cơ thể được chuyển động nhịp nhàng theo nhịp sóng nước.
Anh Nguyễn Hồng Nhân hướng dẫn du khách những kiến thức và kỹ năng cơ bản của bộ môn lướt sóng.
Lướt sóng, lướt ván buồm, chèo sup là các bộ môn dưới nước không động cơ nhưng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa thể lực và tư duy linh hoạt.
Lướt sóng – tiềm năng còn ngủ yên ở Việt Nam
Dù có đường bờ biển dài và điều kiện lý tưởng, Việt Nam hiện mới có vài điểm phát triển lướt sóng chuyên nghiệp như Mũi Né (Bình Thuận), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa) hay Vũng Tàu. Phần lớn người chơi còn phải tự học, tự trang bị hoặc tìm đến các trại huấn luyện nhỏ lẻ để theo đuổi đam mê.
Bộ môn này đòi hỏi kỹ năng phối hợp phức tạp: đọc hướng sóng, điều khiển ván, thăng bằng toàn thân. Người chơi lâu năm có thể học thêm các kỹ thuật nâng cao như bottom turn (rẽ sóng), duck dive (chìm ván tránh sóng) hay cut back (chuyển hướng nhanh) – vốn là nền tảng cho những màn trình diễn đỉnh cao trong các giải quốc tế.
Mùa chơi sóng thường được chia làm hai. Từ tháng 11 đến tháng 3, là mùa "trú đông" của khách nước ngoài – khi họ đổ về các vùng biển Việt Nam để tận hưởng khí hậu ôn hòa và sóng đẹp. Từ tháng 4 đến tháng 8, biển lặng hơn, phù hợp với người mới bắt đầu, nhất là giới trẻ trong nước đang tìm đến các trải nghiệm thể thao mới lạ, lành mạnh.
Các du khách Nga và Hàn Quốc là tệp khách hàng quen thuộc ở vùng biển Nha Trang.
Thế nhưng, lướt sóng ở Việt Nam vẫn chỉ mới là tiềm năng ngủ yên. Số lượng điểm học hạn chế, chưa có nhiều chương trình chính quy, thiếu giải đấu phong trào và chính sách phát triển thể thao biển chuyên biệt. Trong khi đó, ở nhiều nước, lướt sóng không chỉ là bộ môn Olympic, mà còn là ngành công nghiệp du lịch hàng triệu USD, thu hút hàng chục nghìn lượt khách quốc tế mỗi năm.
"Chúng tôi rất mong môn thể thao này được đầu tư bài bản hơn ở Việt Nam. Khi đó, không chỉ những người đam mê như chúng tôi được tiếp thêm động lực, mà du lịch thể thao biển cũng sẽ có cơ hội bứt phá", anh Nhân bày tỏ.
Mỗi cuộc gặp gỡ với các du khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau là một cơ hội để những người làm du lịch được học hỏi và mở mang tầm mắt.
Lướt sóng không chỉ là chuyện cưỡi lên một con sóng, mà là câu chuyện làm chủ chính mình, là lúc trái tim đánh thức cơ thể, là lúc người ta thật sự sống. Và biết đâu, một buổi sáng nào đó, bạn sẽ bước ra biển, đứng lên ván, mỉm cười với chính mình và thả hồn vào những con sóng trong ánh nắng đầu ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!