Nằm bên bờ hồ Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, làng Ngũ Xã không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thơ mộng mà còn là cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống – một trong bốn nghề tinh hoa bậc nhất của Kinh thành Thăng Long xưa. Nghề đúc đồng Ngũ Xã đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm, trở thành biểu tượng của sự khéo léo, tinh xảo và tâm huyết của người dân nơi đây.
Theo sử sách ghi chép, vào thời nhà Lê (1428 – 1527), triều đình đã tập hợp những thợ đúc đồng giỏi từ năm xã thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) gồm Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền về Thăng Long để lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ Xã. Để ghi nhớ nguồn gốc, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã.
Khác với những làng quê khác, nơi ruộng đồng bao la nuôi sống người dân, mảnh đất Ngũ Xã nhỏ bé, chỉ vỏn vẹn 0,23 km², lại chọn cho mình một con đường riêng, một lẽ sống riêng. Người dân nơi đây không gắn bó với cây lúa, củ khoai, mà dồn trọn tâm huyết vào tiếng búa, tiếng đe, vào sắc vàng óng ánh của kim loại. Nghề đúc đồng đã trở thành huyết mạch, là nguồn sống, là niềm tự hào của cả làng. Từ người già đến trẻ nhỏ, dường như ai ai cũng thấm nhuần cái hồn của nghề, cùng nhau góp sức vào từng công đoạn, từ chế tác đến vận chuyển, tiêu thụ, tạo nên một cộng đồng gắn kết, một sức mạnh tập thể đáng ngưỡng mộ.
Khu trưng bày các sản phẩm đúc đồng Ngũ Xã tại 178 Trấn Vũ. (Ảnh: Thu Giang)
Vào một buổi sáng mát trời tháng 4, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng tiếp đón chúng tôi với sự nồng hậu tại không gian trưng bày đồ đồng Ngũ Xã (178 Trấn Vũ). Trong không gian trưng bày ngập tràn các bức tượng phật, thờ thần đều được làm tỉ mỉ bởi chính đôi tay của nghệ nhân, điều đó nói lên tình yêu, lòng đam mê của ông đối với nghề truyền thống độc đáo này.
Nghệ nhân chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống nhiều đời làm nghề đúc đồng. Tôi may mắn từ khi còn tấm bé được đích thân bố tôi là nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp cho tiếp xúc và truyền nghề, tỉ mỉ trong từng công đoạn làm ra một thành phẩm đúc đồng hoàn chỉnh.
Giai đoạn trước năm 1955, làng Ngũ Xã chủ yếu làm các sản phẩm về tâm linh, tượng phật, nhưng từ năm 1955 trở đi, theo lời kêu gọi cả nước, làng chúng tôi chuyển sang đúc đồng phục vụ cho quốc phòng, cho dân sinh, đồ dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu đồng... Đồng thời đúc một số đồ thờ cúng như tượng Phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng… Dần dần, đồ đồng Ngũ Xã đã trở nên quen thuộc với người dân khắp mọi miền đất nước, tạo nên thương hiệu riêng của làng."
Tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Giang)
Trò chuyện với nghệ nhân, chúng tôi được biết quá trình đúc đồng tại Ngũ Xã trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và công phu. “Đầu tiên, người thợ chuẩn bị lò để nấu chảy đồng nguyên chất. Sau đó, đất sét được nhào trộn với trấu để tạo khuôn, một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm. Tiếp theo, đồng được nấu chảy và đổ vào khuôn đã chuẩn bị sẵn. Sau khi đồng nguội, sản phẩm được lấy ra và tiến hành các công đoạn hoàn thiện như mài nhẵn, chạm khắc và hạ màu để tạo ra những sản phẩm tinh xảo”, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng hào hứng kể.
Cũng theo ông, mỗi làng nghề truyền thống đều có tinh hoa riêng, đối với nghề truyền thống đúc đồng, người thợ phải có tính thẩm mỹ cao, sự tỉ mỉ và chăm chỉ. Một sản phẩm đúc đồng hoàn chỉnh trải qua rất nhiều công đoạn, có những công đoạn thậm chí mất nhiều thời gian như chạm khắc có thể kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng. Đối với làng nghề Ngũ Xã, từ khâu làm khuôn cho đến khi chạm khắc sản phẩm, đều làm thủ công bằng tay, không sử dụng máy móc. Dù ngày nay công nghệ tiên tiến, đã có thêm các máy móc hỗ trợ nhưng vẫn cần đôi tay của người thợ để căn chỉnh.
Gặp gỡ anh Nguyễn Duy Phong (SN.1980) đang miệt mài tại xưởng đúc đồng, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa nghề vẫn cháy âm ỉ trong trái tim thế hệ sau.
Anh chia sẻ: “Nghề đúc đồng Ngũ Xã là một nghề tinh hoa, biết bao tác phẩm giá trị đã ra đời từ những căn xưởng nhỏ bé này. Tại xưởng, mỗi công đoạn đều được tách riêng, mỗi người phụ trách một khâu. Cái cốt lõi của nghề chính là sự tỉ mỉ và lòng kiên nhẫn. Dù công việc có lúc bận rộn, có lúc thảnh thơi theo mùa, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ, không để nghề truyền thống của cha ông bị mai một”.
Anh Nguyễn Duy Phong cùng các người thợ khác thực hiện khâu sửa nguội tại xưởng sản xuất đồ đồng Ngũ Xã (Ảnh: Thu Giang)
Thế nhưng, dòng chảy của thời gian và sự phát triển của xã hội cũng đặt ra không ít thách thức cho làng nghề truyền thống này. Sự trỗi dậy của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng, đã khiến nghề đúc đồng Ngũ Xã dần thu hẹp lại. Giờ đây, chỉ còn một vài gia đình trong làng vẫn kiên trì giữ lửa nghề, gánh trên vai trọng trách bảo tồn một di sản văn hóa quý báu.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng hiện là một trong những người cuối cùng còn theo nghề, chia sẻ: “Thấy các con tiếp tục giữ nghề, tôi rất vui mừng và tin tưởng rằng, ngọn lửa đam mê với nghề đúc đồng của gia đình sẽ không bao giờ tắt. Gia đình tôi tự hào vẫn luôn gìn giữ được nghề truyền thống mà cha ông đã truyền lại ” .
Một bộ phận thế hệ trẻ vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống của cha ông. (Ảnh: Thu Giang)
Nghề đúc đồng Ngũ Xã không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công, mà còn là một phần không thể tách rời của bản sắc văn hóa dân tộc. Những sản phẩm được tạo ra không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày, mà còn mang trong mình giá trị tâm linh sâu sắc, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, đối với những giá trị truyền thống. Việc duy trì và phát triển nghề đúc đồng truyền thống của làng Ngũ Xã không chỉ là bảo tồn một phần di sản văn hóa vô giá, mà còn góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ngũ Xã, với ngọn lửa đồng không bao giờ tắt, mãi là một minh chứng sống động cho sự sáng tạo, sự kiên trì và tình yêu nghề tha thiết của người dân Việt Nam. Nơi đây, những âm thanh của búa, của đe vẫn vang vọng, những sản phẩm tinh xảo vẫn được ra đời, như một lời khẳng định về sức sống mãnh liệt của một làng nghề truyền thống, một viên ngọc quý giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!