Khu vực biển Hòn Chồng – Đặng Tất (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với diện tích san hô khoảng 11 ha, đang ghi nhận những dấu hiệu phục hồi đáng mừng. Đặc biệt, tại phía nam Hòn Chồng, các rạn san hô có độ tuổi khoảng 5-10 năm đang phát triển tốt với độ phủ đạt 50-60%. Sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây, với nhiều loài san hô cứng tạo rạn kích thước lớn, san hô mềm, cùng thảm cỏ biển và rong biển, đã thu hút nhiều đàn cá con về trú ngụ, tạo nên một bức tranh sinh động dưới đáy biển. Đây là một tin vui lớn cho những nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn biển của địa phương, thắp lên hy vọng gìn giữ một trong những điểm nhấn cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái quan trọng của vịnh Nha Trang.
Ban Quản lý Vịnh Nha Trang quây khu vực có san hô để du khách biết.
Tuy nhiên, sự hồi sinh này vô cùng mong manh và đứng trước nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng nếu thiếu ý thức bảo vệ từ cộng đồng. Khu vực sát ngay bãi tắm, chủ yếu là các bãi đá vùng triều xen lẫn san hô nhỏ, thường xuyên có người dân lội ra bắt hải sản khi thủy triều xuống thấp. Dù "Tổ tuyên truyền Hòn Chồng" gồm các đơn vị chức năng của thành phố đã nỗ lực phát loa cảnh báo và trực tiếp tuần tra, nhắc nhở người dân không giẫm đạp lên san hô, nhưng chỉ một hành động vô tình hay cố ý xâm hại cũng có thể phá hủy công sức phục hồi kéo dài. Ngay cả việc quay phim, chụp ảnh của các Vlogger, Tiktoker nếu không đi kèm thông điệp bảo vệ đúng đắn cũng có thể vô tình khuyến khích các hành vi gây hại.
Khu vực san hô Hòn Chồng nhìn từ trên cao.
Trước thực trạng này, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang (BQL) đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, dựa trên Quyết định số 3028/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa về kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030. Mục tiêu cốt lõi là nâng cao nhận thức, tạo sự thay đổi hành vi của cộng đồng, doanh nghiệp và du khách để ứng xử thân thiện với môi trường vịnh. Thời gian qua, BQL đã tổ chức chuỗi sự kiện "Thanh niên vì môi trường xanh" với các hoạt động thiết thực như "Cắt lưới ma vướng rạn san hô ở Hòn Chồng", "Bắt sao biển gai và nhặt rác đáy biển ở Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun", cùng các hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản và trồng rừng ngập mặn.
Nhân viên cứu hộ bờ biển đang nhắc nhở du khách vô tình đi vào khu vực có san hô.
Thu gom rác tại khu vực rạn san hô Hòn Chồng.
Để những nỗ lực bảo tồn lan tỏa sâu rộng hơn nữa, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang kêu gọi mỗi người dân, du khách hãy là một tuyên truyền viên tích cực, nhắc nhở người thân không xâm nhập trái phép vào khu vực rạn đang được bảo vệ. Khi tham gia các hoạt động dưới nước, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc, va chạm với san hô, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng bơi lặn cần thiết. Đặc biệt, BQL Vịnh Nha Trang rất mong muốn nhận được sự đồng hành, chung tay từ các Tiktoker, Travel Vlogger, và KOLs có ảnh hưởng xã hội. Sự tham gia đồng hành trong việc lồng ghép thông điệp bảo vệ, cảnh báo về các mức phạt khi làm hư hại san hô, và lan tỏa những giá trị tốt đẹp sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy những thành quả bảo tồn mà thành phố Nha Trang đã và đang nỗ lực xây dựng.
Thảm cỏ biển tại Hòn Chồng.
San hô tại Hòn Chồng đang phục hồi rất đẹp.
Rạn san hô Hòn Chồng - Đặng Tất là một tài sản thiên nhiên vô giá, đóng góp vào việc duy trì đa dạng sinh học và cân bằng môi trường của cả một vùng biển rộng lớn. Quá trình phục hồi hiện tại là một cơ hội quý báu để cả cộng đồng thể hiện trách nhiệm. Đừng để những niềm vui nhất thời hay hành động thiếu suy nghĩ làm tổn hại đến tương lai bền vững của những "khu rừng dưới đáy biển" này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!