Lễ hội cầu mưa được bảo tồn, phát huy một cách nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của dân tộc ở Tây Nguyên.
Vào độ tháng Tư hàng năm, khi Tây nguyên đã bước vào cao điểm mùa khô, lễ cúng cầu mưa sẽ được các cộng đồng người Jrai tổ chức. Điều đặc biệt là trước khi tổ chức cúng cầu mưa, nghi lễ bắt buộc là phải được sự đồng ý của Vua Lửa, người Jrai gọi là Pơ Tao A Pui.
Lễ cúng Yang Pơtao Apui là nghi thức tín ngưỡng quan trọng, được người Jrai gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nghi lễ mang ước vọng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống ấm no.
PGS. TS Nguyễn Khắc Sử - Nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho biết: "Đối với nông dân trồng lúa Tây Nguyên, hai yếu tố quan trọng là nước và công cụ lao động. Pơtao Apui đóng một vai trò rất quan trọng trong chuyển tải mơ ước, cầu khẩn của con người, đặc biệt là của dân tộc người Jrai với trời vì văn hóa ở đây là văn hóa gắn với thiên nhiên".
Lễ Cầu mưa Yang Pơtao Apui là chuỗi các nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Jrai ở Gia Lai, trong đó huyện Phú Thiện được xem là trung tâm của các hoạt động này. Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui không chỉ là minh chứng cho nỗ lực bảo tồn bản sắc truyền thống mà còn trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của Tây Nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!