Giấy tái chế có thể làm phong bì thư, thiệp chúc mừng,.. (Ảnh: Pexels)
Không chỉ biến phế liệu thành sổ tay, giấy trang trí độc đáo, phương pháp này còn góp phần bảo vệ tài nguyên và nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường thông qua những quy trình thủ công đơn giản mà hiệu quả.
Phần rìa giấy còn lại sau khi in sản phẩm là nguyên liệu chính để làm giấy tái chế. (Ảnh: Print N Matters)
Từ giấy vụn thành giấy mới
Những mảnh giấy vụn, phần rìa thừa sau khi cắt xén sản phẩm tại các nhà máy in, có thể trở thành nguyên liệu giá trị. Loại giấy tưởng chừng là rác có thể được "hồi sinh" thông qua quy trình tái chế thủ công không quá phức tạp. Đầu tiên, giấy vụn được thu gom và cắt nhỏ, đưa vào máy xay để đánh thành bột giấy. Một lượng bột giấy vừa đủ được múc và trải đều lên một khung lưới chuyên dụng. Nước sẽ dần thoát qua lưới, để lại một lớp bột giấy định hình trên bề mặt.
Quá trình tái chế giấy vụn. (Ảnh: Print N Matters)
Tiếp theo là thời điểm người làm có thể thỏa sức sáng tạo, thêm vào các vật trang trí như cánh hoa khô, lá ép, sợi chỉ màu,... Việc tận dụng hoa thừa sắp bỏ đi từ các cửa hàng hoa cho công đoạn này càng làm tăng thêm ý nghĩa bảo vệ môi trường. Cuối cùng, tờ giấy ướt được nhẹ nhàng gỡ khỏi khuôn, ép bớt nước và phơi khô, hoàn thiện thành một sản phẩm giấy tái chế độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.
"Rác" hữu cơ cũng có thể thành giấy
Nhiều thử nghiệm táo bạo đã được tiến hành để biến các loại phế liệu hữu cơ khác thành giấy. Bã trà xanh sau khi pha, vỏ ngô, bã mía hay thậm chí là những chiếc khay đựng trứng bằng giấy... tất cả đều có thể trở thành nguyên liệu tiềm năng. Việc khám phá và tận dụng các nguồn tài nguyên thay thế này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải mà còn mở ra những khả năng mới cho ngành sản xuất giấy thủ công, tạo ra những sản phẩm với kết cấu và màu sắc tự nhiên, độc đáo.
Các buổi thực hành tái chế có tính giáo dục với trẻ em. (Ảnh: Pexels)
Lợi ích của việc biến giấy vụn thành sản phẩm mới vượt xa giá trị vật chất. Về mặt môi trường, đây là giải pháp trực tiếp xử lý nguồn giấy vụn công nghiệp và giấy đã qua sử dụng, góp phần giảm áp lực lên các bãi chôn lấp đang ngày càng quá tải. Quan trọng hơn, việc sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế tiêu thụ ít nước và năng lượng hơn đáng kể so với việc khai thác bột gỗ nguyên sinh, trực tiếp góp phần bảo tồn tài nguyên rừng.
Các buổi thực hành tái chế giấy cũng mang lại giá trị giáo dục to lớn, giúp người tham gia, nhất là trẻ em, hình dung rõ ràng hơn về vòng đời của sản phẩm, hiểu được giá trị của việc tái sử dụng và tầm quan trọng của việc giảm thiểu lãng phí.
Sử dụng giấy bền vững
Mỗi cá nhân và tổ chức đều có thể đóng góp thiết thực thông qua những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày. Hãy cân nhắc việc từ chối nhận hóa đơn giấy khi không cần thiết, ưu tiên hóa đơn điện tử. Giảm thiểu sử dụng các sản phẩm dùng một lần như ly giấy, đĩa giấy. Tận dụng tối đa hai mặt của tờ giấy khi in ấn, biến những tờ giấy chỉ in một mặt thành giấy nháp hoặc thu gom giấy vụn sạch để làm sổ tay ghi chú.
Giấy là vật liệu có thể tái chế nhiều lần, mang lại lợi ích to lớn trong việc bảo vệ môi trường. (Ảnh: Pexels)
Khi mua sắm, hãy ưu tiên lựa chọn văn phòng phẩm, sổ tay hoặc các sản phẩm được làm từ giấy tái chế hoặc giấy vụn cắt thừa. Rèn luyện thói quen phân loại rác đúng cách, đảm bảo giấy không bị nhiễm bẩn bởi thức ăn thừa hay các loại rác khác trước khi bỏ vào thùng tái chế hoặc giao cho các đơn vị thu gom chuyên dụng. Lựa chọn hợp tác với các công ty in ấn, nhà cung cấp có cam kết và quy trình hoạt động thân thiện với môi trường cũng là cách thể hiện sự ủng hộ việc sử dụng giấy bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!