Theo các chuyên gia, người ngoài cuộc dễ dàng đưa ra ý kiến phải chấm dứt các quan hệ gây ra tổn thương nhưng thực tế, với rất nhiều người, dù đau khổ vẫn rất khó tìm ra giải pháp đúng đắn cho bản thân. Bởi cách nhìn nhận về sự độc hại có tính thời điểm, hơn nữa không ít người có khả năng "thao túng" tâm lý khiến đối tác không nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm với sức khỏe thể chất, tinh thần mà mình gặp phải trong mối quan hệ.
Một trong những vấn đề đáng chú ý của một mối quan hệ độc hại đồng thời là một trong những lý do khiến việc thoát khỏi nó trở nên khó khăn đó là: Đối tác độc hại có xu hướng luôn chiếm ưu thế. Katarena Arger, chuyên gia trị liêu tại Alter Health Group, cho biết : "Trong khi một mối quan hệ lành mạnh dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng, thì một mối quan hệ không lành mạnh hoặc độc hại lại liên quan đến quyền lực và sự kiểm soát".
*Các chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu cảnh báo của mối quan hệ độc hại
1.Giao tiếp thù địch
Bất đồng quan điểm, khác biệt về lối sống, suy nghĩ, cách hành xử là chuyện bình thường trong mối quan hệ. Tuy nhiên nếu thay vì tôn trọng, chia sẻ, góp ý cho nhau để kéo gần lại, chấp nhận những khác biệt, giữa hai người nảy sinh những tranh cãi không ngớt, có biểu hiện của sự khinh miệt, người này luôn muốn áp đảo, áp đặt người kia để rồi dẫn tới những lời lẽ gây tổn thương sâu sắc.. thì đó là dấu hiệu cảnh báo rất đáng lưu tâm của quan hệ độc hại. Mang chuyện quá khứ ra để dằn vặt, chỉ trích đối phương bất kể lý do, đe dọa chia tay... đều là những biểu hiện thường gặp của kiểu giao tiếp thù địch.
2.Cảm giác luôn lo lắng, sợ hãi như "đi trên trứng mỏng"
Đối tác "thao túng", kiểm soát về tâm lý sẽ biến bạn luôn trở thành người có lỗi trong mọi vấn đề, khiến bạn ngày càng tự ti, quay lưng lại với chính mình. Đây là cảm giác tồi tệ, không nên có, vì trong mối quan hệ, sẽ tuyệt vời hơn cả khi bạn được sống thật, được thoải mái bày tỏ, thể hiện bản thân vì biết rằng, "nửa kia" sẽ đủ sự yêu thương, bao dung. "Những người hay oán giận không phải là những người bạn đời tốt, và những người bạn đời tốt thường không phải là những người hay oán giận" - chuyên gia tâm lý Darcy Sterling - người dẫn chương trình truyền hình Famously Single của kênh E! - kết luận.
Những mối quan hệ tình cảm cần được xây dựng trên cơ sở sự yêu thương, tôn trọng, chia sẻ từ cả hai phía (Ảnh: Pexels)
3.Luôn cho đi mà hiếm khi hoặc không bao giờ nhận được sự đền đáp
Một mối quan hệ bền vững, tôn trọng nhau nên được xây dựng với sự đáp ứng nhu cầu từ cả hai phía. Không nên luôn ưu tiên nhu cầu của một người hơn nhu cầu của người kia. Và nếu bạn cảm thấy nhu cầu của mình thường bị hy sinh vì lợi ích của đối tác, hoặc nhu cầu của bạn chỉ đơn giản là bị coi nhẹ, thì đó là một dấu hiệu cảnh báo độc hại.
4.Bị cô lập với cuộc sống bên ngoài
Ngay cả khi bạn coi "nửa kia" là người thân yêu nhất, có ý nghĩa lớn nhất thì cũng không vì thế mà biến họ trở thành toàn bộ cuộc sống của mình, hi sinh, thu hẹp thế giới cũng như các mối quan hệ khác.
Điều này cũng có ý nghĩa đối với sở thích, hoạt động và những gì mang đến niềm vui trong cuộc sống. Nếu bạn không còn làm những việc mình từng thích, bạn có thể đang bị cuốn vào một mối quan hệ độc hại khiến bạn mất đi lòng tự trọng, mất đi giá trị vốn có.
*Khi nào cần thoát khỏi mối quan hệ độc hại?
Ngay khi bạn hiểu, và xác định một cách rõ ràng mối quan hệ của mình là độc hại hoặc gần như độc hại thì tìm cách chấm dứt là lựa chọn lành mạnh và an toàn. Khi có bất cứ dấu hiệu về sự lạm dụng, tác động nghiêm trọng hơn thì rất cần phải có sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình, những tổ chức tin cậy để kịp thời "giải cứu", tránh những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tinh thần.
Bạo lực, lạm dụng là dấu hiệu nghiêm trọng của mối quan hệ độc hại, cần phải chấm dứt (Ảnh: Pexels)
Việc chấm dứt mối quan hệ không hề dễ dàng, nhất là khi có những ràng buộc sâu sắc về con cái, tài sản... Chưa kể, còn có tác động tiềm tàng của sự thao túng khiến bạn bị tổn thương lòng tự trọng và bắt đầu tin rằng, đó là lỗi của mình, là những gì bạn đáng phải chịu, tự trách mình nếu như cố gắng hơn thì mọi sự đã không như thế... Trong mọi trường hợp, việc xác định lý do bạn vẫn ở bên đối tác có thể giúp bạn cân nhắc mức độ nghiêm trọng của tình hình so với bản chất mối quan hệ. Nếu việc duy trì mối quan hệ vẫn là điều đáng để cân nhắc hãy thử nói chuyện với đối tác để đánh giá mức độ cởi mở trong việc lắng nghe mối quan tâm, nỗi niềm của bạn. Nếu như có sự thấu hiểu nhất định, hãy hãy cân nhắc tìm kiếm liệu pháp dành cho các cặp đôi như qua người đáng tin cậy trung gian, các chuyên gia tư vấn... Cách làm này có thể giúp bạn học cách giao tiếp, chia sẻ nhu cầu của mình, tìm cách thỏa hiệp, đánh giá chính xác hơn về hành vi của đối tác và nhận thức rõ ràng về việc liệu mối quan hệ có thực sự cứu vãn được hay không.
*Làm thế nào để mọi chuyện diễn ra nhẹ nhàng?
- Nên có cuộc nói chuyện thẳng thắn khi chia tay
- Kết thúc một mối quan hệ không hề dễ dàng. Hãy tâm sự, chia sẻ với những người thân thiết, đáng tin cậy để hàn gắn vết thương lòng, chữa lành trong khoảng thời gian khó khăn về tâm lý.
- Trong một số trường hợp cần thiết, nếu lo ngại về sự an toàn, các chuyên gia cho rằng hãy tránh xa đối tác cũ, hạn chế thông tin trên mạng xã hội, cân nhắc đổi chỗ ở, số điện thoại...
6 lý do chia tay phổ biến nhất bangdatally.xyz - Chuyên gia chia sẻ về 6 lý do chia tay phổ biến nhất của các cặp đôi, vợ chồng, dù họ có thể vẫn còn quan tâm tới nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!