Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe, sự phát triển lành mạnh, toàn diện của cơ thể. Nó không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn hỗ trợ chức năng cơ và miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng chúng ta thường không nạp đủ vitamin D, nhưng lại không thống nhất về lượng thực sự "đủ", mức độ nào cấu thành sự thiếu hụt hoặc lợi ích nào mà thực phẩm bổ sung mang lại, đặc biệt là đối với những người trẻ và khỏe mạnh.
Lời khuyên về cách bổ sung vitamin D cũng mâu thuẫn nhau. Ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên tốt nhất, nhưng chúng ta cũng được khuyên nên che chắn bằng quần áo, mũ nón, kem chống nắng để tránh ung thư da. Chế độ ăn giàu vitamin D được khuyến khích mặc dù hầu hết các loại thực phẩm không chứa đủ vitamin D...
Những thông tin có khả năng gây nhiễu loạn, bối rối và rất nhiều trong số đó hướng mọi người đến việc sử dụng thực phẩm bổ sung qua đó biến vitamin D trở thành mặt hàng phổ biến và được lựa chọn sử dụng nhiều bậc nhất.
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến vitamin D, xác định bổ sung bao nhiêu thì là đủ với cơ thể, giải pháp hài hòa được xem là: dành thời gian vận động, tiếp xúc với ánh mắt trời ở những khung giờ phù hợp như buổi sáng sớm, khi nắng chưa quá gắt, lựa chọn chế độ ăn giàu vitamin D (với các loại cá béo, trứng, sữa) và dùng thực phẩm bổ sung phù hợp khi cần thiết.
Bổ sung vitamin D cho cơ thể qua chế độ ăn và thực phẩm bổ sung (Ảnh: Adobe Stock)
Việc "nạp" vitamin D từ ánh mặt trời vẫn được xem là cách thức tự nhiên, hiệu quả, không tốn kém, không gây tác dụng quá liều vì da có khả năng tự điều chỉnh. Tuy nhiên nỗi ám ảnh với việc bảo vệ da khiến nhiều người né tránh tiếp xúc với mặt trời. Lưu ý quan trọng, nếu bạn chọn thực phẩm bổ sung vitamin D, có nhiều dạng như viên uống và giọt, hãy đảm bảo rằng không dùng quá liều, tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất đáng tin cậy, tư vấn của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể. Các nghiên cứu cho thấy, nạp quá nhiều (ở lượng cực cao) vitamin D có thể gây buồn nôn, lú lẫn, nôn mửa... trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây sỏi thận, suy thận, nhịp tim không đều,...
Một số triệu chứng thiếu hụt vitamin D
Hầu hết những người bị thiếu vitamin D đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bạn kiệt sức, đau xương, yếu cơ hoặc thay đổi tâm trạng, thì đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó bất thường với cơ thể
Các triệu chứng thiếu vitamin D có thể bao gồm:
1.Mệt mỏi
2.Không ngủ ngon
3.Đau xương hoặc nhức mỏi
4.Cảm giác buồn bã, chán nản
5.Rụng tóc
6.Yếu cơ
7.Chán ăn
8.Da nhợt nhạt
9.Dễ bị bệnh
Nếu những triệu chứng này xuất hiện thường xuyên, đã đến lúc bạn nên đi khám bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra mức vitamin D.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!