Chúng ta dành tới một phần ba cuộc đời trên chiếc giường êm ái, nhưng liệu bạn có bao giờ nghĩ đến những "vị khách không mời" đang âm thầm trú ngụ trong tấm nệm thân yêu? Hàng triệu tế bào da chết rơi rụng mỗi đêm là bữa tiệc thịnh soạn cho bọ ve, loài sinh vật nhỏ bé sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt trong môi trường ấm áp, ẩm ướt do mồ hôi ban đêm tạo ra. Đây chính là "thiên đường" cho mạt bụi, vi khuẩn, nấm và vô số vi sinh vật khác, có thể biến chiếc nệm của bạn thành một ổ vi trùng đáng lo ngại cho sức khỏe.
Nệm ẩn chứa nguy cơ cho sức khỏe
Hầu hết chúng ta sử dụng nệm trung bình từ bảy đến mười năm. Trong khoảng thời gian này, không chỉ hàng triệu con bọ ve tích tụ mà còn cả một lượng lớn bụi bẩn, mồ hôi, tóc, vảy da và thậm chí cả bào tử nấm mốc nếu nệm không được thông thoáng. Đặc biệt đối với những người bị dị ứng, tình trạng này có thể nhanh chóng trở thành mối đe dọa thực sự cho sức khỏe.
Ngay cả khi bạn không có tiền sử dị ứng, một chiếc nệm bẩn cũng có thể gây ra những vấn đề khó chịu như khó ngủ, kích ứng da hoặc khó thở. Hãy tưởng tượng bạn đang ngủ trên một "tấm thảm" chứa đầy những tác nhân gây hại tiềm ẩn.
Tần suất làm sạch nệm lý tưởng là bao nhiêu?
Đáng ngạc nhiên là với một số người hầu như không hoặc chưa bao giờ nghĩ đến việc làm sạch nệm của mình. Tuy nhiên, việc duy trì sự sạch sẽ cho chiếc giường không hề khó khăn với một vài biện pháp đơn giản. Các chuyên gia khuyên bạn nên làm sạch nệm kỹ lưỡng ít nhất hai lần một năm.
Bí quyết giữ nệm luôn sạch sẽ và thơm tho:
Hút bụi thường xuyên: Sử dụng đầu hút bọc ghế để hút kỹ bề mặt nệm, loại bỏ bụi bẩn và tế bào da chết.
"Làm mới" nệm với baking soda: Rắc một lớp baking soda mỏng lên nệm, để yên trong vài giờ (tốt nhất là qua đêm) rồi hút sạch. Baking soda có khả năng hút ẩm, khử mùi và kháng khuẩn hiệu quả.
Giặt vỏ nệm thường xuyên: Nếu nệm có vỏ bọc, hãy giặt chúng ở nhiệt độ 60 độ C để tiêu diệt vi khuẩn và mạt bụi.
Thường xuyên mở cửa sổ: Để không khí lưu thông, giúp nệm khô thoáng và ngăn ngừa ẩm mốc. Đồng thời, xoay nệm theo chiều dọc và chiều ngang mỗi vài tháng để tránh tình trạng lún không đều.
Đừng quên "tuổi thọ" của nệm:
Dù bạn có chăm sóc nệm tốt đến đâu, nó vẫn có "tuổi thọ" nhất định. Các chuyên gia khuyên bạn nên thay nệm mới sau khoảng mười năm. Trong một số trường hợp, bạn cần thay sớm hơn nếu nệm bị mòn, có vết bẩn hoặc mùi khó chịu không thể loại bỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!