Bơ là một sản phẩm từ sữa, được chế biến bằng cách tách chất béo khỏi sữa hoặc kem tươi. Bơ có thể được sử dụng trong nhiều món ăn và được ưa chuộng vì hương vị đặc trưng và khả năng tăng cường hương vị.
Với hương vị béo ngậy và khả năng làm tăng độ thơm ngon của món ăn, bơ được sử dụng phổ biến trong nấu nướng, làm bánh, hay phết lên bánh mì. Tuy nhiên, việc tiêu thụ bơ có thực sự tốt cho sức khỏe? Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, bơ mang lại một số lợi ích nhất định, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu sử dụng quá mức.
Lợi ích từ bơ
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu khoa học đã "minh oan" phần nào cho bơ - vốn từng bị xem là thực phẩm có hại do chứa nhiều chất béo bão hòa. Một nghiên cứu đăng trên American Journal of Clinical Nutrition năm 2016 chỉ ra rằng, tiêu thụ bơ ở mức độ vừa phải không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngược lại, một số thành phần trong bơ còn có lợi cho sức khỏe tim mạch nếu dùng đúng cách.
Bơ là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A, D, E và K..., tuy nhiên việc sử dụng quá nhiều bơ trong chế độ ăn hàng ngày, nhất là trong các món chiên rán, bánh ngọt hay thức ăn nhanh, có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa…
Bơ là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A, D, E và K - những vitamin tan trong chất béo rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là hệ miễn dịch, sức khỏe xương và thị lực. Ngoài ra, bơ cũng chứa butyrate - một loại axit béo chuỗi ngắn có vai trò chống viêm và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Theo Harvard Health Publishing, một số nghiên cứu còn cho thấy butyrate có thể giúp cải thiện tình trạng kháng insulin - yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, bơ nguyên chất (butter) còn có một tỷ lệ nhỏ axit béo omega-3 - chất béo có lợi cho trí não và tim mạch. Tuy lượng không cao như cá hồi hay hạt lanh, nhưng việc sử dụng bơ trong một chế độ ăn cân bằng có thể giúp đa dạng nguồn dinh dưỡng.
Tác hại tiềm ẩn
Dù có những lợi ích nhất định, bơ vẫn là một thực phẩm giàu chất béo bão hòa - chiếm khoảng 51% tổng chất béo trong bơ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol "xấu" (LDL) trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Một muỗng canh bơ (khoảng 14g) chứa khoảng 100 calo và 7g chất béo bão hòa - chiếm khoảng 35% lượng chất béo bão hòa tối đa một người trưởng thành nên tiêu thụ trong ngày (dựa theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ - AHA). Việc sử dụng quá nhiều bơ trong chế độ ăn hàng ngày, nhất là trong các món chiên rán, bánh ngọt hay thức ăn nhanh, có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa…
Ngoài ra, với những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc cholesterol cao, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên thay thế bơ bằng các loại dầu thực vật lành mạnh hơn như dầu ô liu, dầu hướng dương hoặc các sản phẩm phết bánh ít chất béo.
Theo các chuyên gia của Trường Y tế Công cộng Harvard, chìa khóa không nằm ở việc "cấm kỵ" bơ, mà ở cách sử dụng một cách kiểm soát. Nếu được dùng hợp lý trong khuôn khổ một chế độ ăn cân bằng, với nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá, đậu và trái cây… thì bơ có thể là một phần của chế độ ăn lành mạnh.
Bơ hữu cơ hoặc bơ từ bò ăn cỏ cũng được khuyến khích hơn so với bơ công nghiệp, vì chứa nhiều chất chống oxy hóa và axit béo có lợi hơn.
Bơ không hoàn toàn "có hại" như quan niệm xưa cũ, nhưng cũng không phải "siêu thực phẩm" như một số xu hướng ăn kiêng hiện nay quảng bá. Với những lợi ích dinh dưỡng và hương vị đặc biệt, bơ hoàn toàn có thể được sử dụng như một phần trong bữa ăn lành mạnh, miễn là có sự điều độ và hiểu biết đúng đắn về cách dùng. Trong thời đại mà thực phẩm ngày càng đa dạng và dễ tiếp cận, việc lựa chọn thực phẩm khôn ngoan vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì sức khỏe lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!