Đột quỵ không phải là điều xảy ra bất ngờ như chúng ta vẫn nghĩ. Nhiều thói quen tưởng chừng vô hại lại âm thầm làm tăng nguy cơ đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này mỗi ngày.
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia y tế, tuy nguy hiểm nhưng đột quỵ lại hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bạn thay đổi những thói quen gây hại trong sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là 7 thói quen phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm, có thể âm thầm đẩy bạn vào tình trạng đột quỵ nếu không được điều chỉnh kịp thời.
Lối sống ít vận động
Bác sĩ Wang chỉ rõ, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ chính là lối sống tĩnh tại. Việc dành quá nhiều thời gian cho việc ngồi hoặc nằm, thiếu vận động cơ thể sẽ tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ trong động mạch, gây tắc nghẽn mạch máu. "Vận động thường xuyên như một 'liều thuốc' tự nhiên giúp mạch máu thông thoáng. Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần cho các hoạt động thể chất," bác sĩ Wang khuyến cáo.
Không quan tâm đến tình trạng huyết áp cao
Tình trạng huyết áp cao kéo dài là một "thủ phạm" nguy hiểm khác dẫn đến đột quỵ. Bác sĩ Anthony Kim cảnh báo: "Huyết áp cao thường diễn ra âm thầm, ít có triệu chứng rõ ràng. Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi tình trạng đã nghiêm trọng nếu không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ". Áp lực máu cao gây tổn thương thành mạch, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và vỡ mạch máu não.
Không khám sức khỏe thường xuyên
Bác sĩ Wang khẳng định, nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như huyết áp cao, cholesterol cao thường không có biểu hiện bên ngoài. Chính vì vậy, việc thăm khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm và kiểm soát các vấn đề tiềm ẩn.
"Khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ mà còn giúp bác sĩ đánh giá các yếu tố khác như tiền sử gia đình, giới tính, từ đó đưa ra những lời khuyên phòng ngừa phù hợp," bác sĩ Wang cho biết thêm.
Hút thuốc
Cả bác sĩ Kim và Wang đều đồng nhất rằng hút thuốc là một trong những yếu tố nguy hiểm và dễ dẫn đến đột quỵ nhất. Bác sĩ Kim giải thích: "Khói thuốc chứa hàng ngàn hóa chất độc hại, làm hẹp dần các mạch máu và gây tắc nghẽn dòng máu đến não. Khi mạch máu bị tắc nghẽn, nguy cơ đột quỵ là rất cao."
Tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn
Không chỉ gây hại cho gan và tăng nguy cơ ung thư, việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn còn là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Bác sĩ Kim lưu ý: "Uống quá nhiều rượu bia gây ra những tác động tiêu cực lên hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim và đột quỵ". Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, phụ nữ không nên uống quá 8 ly rượu mỗi tuần và nam giới không quá 15 ly.
Không có chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Bác sĩ Wang khuyến cáo: "Hãy hạn chế tối đa các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đường và muối. Thay vào đó, hãy tăng cường rau xanh, trái cây và bổ sung một lượng thịt vừa phải trong bữa ăn hàng ngày. Một chế độ ăn uống cân bằng giúp duy trì cân nặng hợp lý, ổn định huyết áp và cholesterol, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ".
Bỏ qua những phương pháp chữa bệnh cần thiết
"Mặt bị méo, cánh tay yếu và khó khăn trong giao tiếp" là những dấu hiệu cảnh báo sớm thường gặp của cơn đột quỵ. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả các triệu chứng. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết và hành động nhanh chóng khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra đột ngột. "Khi nhận thấy những dấu hiệu trên, đừng chần chừ mà hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố then chốt để cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tổn thương não," các chuyên gia khuyến cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!