Trong khuôn khổ Tọa đàm chuyên đề do President Club tổ chức tại trụ sở Tập đoàn Công nghệ CMC, hơn 30 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, luật sư và nhà hoạch định chính sách đã cùng thảo luận sâu về quá trình hình thành, tinh thần cốt lõi và các yêu cầu thực tiễn trong việc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Buổi tọa đàm được điều phối bởi ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC và TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), với không khí cởi mở, thẳng thắn, khơi mở nhiều góc nhìn gắn sát thực tế điều hành và chính sách.
Tư nhân - Từ "thành phần" đến "động lực quan trọng nhất"
Ông Nguyễn Trung Chính khẳng định: "Nghị quyết 68 là một bước đột phá về tư tưởng, khi lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là động lực quan trọng nhất. Nếu triển khai đúng hướng, phần lớn các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ".
Theo TS. Võ Trí Thành, đây là một cú chuyển lớn từ quan niệm coi tư nhân là "một bộ phận" đến vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - phát biểu tại sự kiện
Là người tham gia trực tiếp vào tổ biên tập Nghị quyết 68, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ: "Cường độ làm việc vượt xa mọi giai đoạn tôi từng trải qua. Có bản dự thảo được cập nhật lúc 11 giờ đêm và sáng sớm đã yêu cầu phải có ngay góp ý. Đội ngũ công chức đang làm việc với tinh thần quyết liệt, bền bỉ, thực sự rất đáng trân trọng".
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành CMC - chia sẻ tại sự kiện
Rào cản từ quy định và thủ tục hành chính
Nhiều doanh nhân tại tọa đàm chia sẻ về những khó khăn cụ thể khi triển khai thực tế. Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Tập đoàn Giovanni - phản ánh, trường hợp xin phép đầu tư kéo dài 4 năm, chỉ vì dự án không nằm trong khu công nghiệp mà phải xin ký nhiều giấy tờ để được giao đất. Những thủ tục này không chỉ gây chậm trễ mà còn đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ bị ‘treo’ dự án vô thời hạn.
Ông Đào Xuân Dũng - Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn UHY - cảnh báo về tình trạng hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí do các dự án không được chuyển nhượng vì rào cản pháp lý.
Luật sư Bùi Văn Thành chia sẻ, một doanh nghiệp đã mất cả năm chỉ để xin phép in bao bì vì bị xếp vào ‘hoạt động xuất bản’.
Xung đột lợi ích và thị trường thiếu cạnh tranh
Bà Nguyễn Ngọc Hà từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cảnh báo: "Các ngân hàng thương mại hiện nay không chỉ cho vay mà còn sở hữu công ty chứng khoán, hoạt động như nhà môi giới, tư vấn, định giá và giao dịch. Điều này tạo ra những mắt xích khép kín có thể thao túng thị trường".
Bà chỉ ra rằng, dòng vốn đang "quẩn quanh" trong các nhóm đặc quyền, tạo ra "doanh nghiệp zombie" chiếm dụng vốn trong khi doanh nghiệp tư nhân không thể tiếp cận được nguồn lực. "Không thể có cạnh tranh công bằng nếu thị trường bị thao túng bởi xung đột lợi ích" - bà Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hà cũng chỉ trích sự lỏng lẻo trong quản lý quảng bá sản phẩm tài chính đại chúng - vốn cần được kiểm soát chặt chẽ như ở các nước phát triển.
Một tinh thần mới đang hình thành
Tọa đàm cho thấy một chuyển động tích cực, đó là khu vực tư nhân không còn chờ đợi chính sách ban hành từ trên xuống mà đã chủ động đóng góp, đề xuất và đồng hành cùng Nhà nước trong từng bước thực thi.
CMC, MISA, 1Office, Giovanni... không chỉ nêu vướng mắc mà còn đề xuất cơ chế cụ thể, chương trình hành động và cam kết triển khai. TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, doanh nghiệp tăng cường phân tích chi phí - lợi ích, đánh giá tác động chính sách để góp ý hiệu quả hơn.
Luật sư Bùi Văn Thành đề xuất phát triển cổng thông tin quốc gia minh bạch về cơ hội đầu tư. Ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhấn mạnh: "Sandbox cần kiểm soát theo không gian - thời gian - rủi ro nhưng không nên trói buộc sáng tạo bằng các điều kiện bảo thủ".
Ông Lê Việt Thắng - Tổng giám đốc 1Office - đề xuất: "Chính phủ nên trích ngân sách mua phần mềm Việt để cấp miễn phí cho doanh nghiệp mới dưới 3 năm tuổi. Chúng tôi không xin hỗ trợ bằng tiền, chỉ cần được đưa công cụ vào tay doanh nghiệp".
Vai trò kiến tạo của President Club và tinh thần đồng hành
Nghị quyết 68 với tinh thần đột phá đã mở ra không gian chính sách mới. Nhưng hành trình từ chủ trương đến hiện thực không thể chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước. Đó là một quá trình song hành, trong đó, doanh nghiệp, chuyên gia và toàn xã hội phải cùng bước tới.
Tọa đàm lần này cũng ghi nhận vai trò ngày càng nổi bật của President Club - một mô hình kết nối hợp tác Công - Tư với thành viên là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cựu chính khách và các chuyên gia hàng đầu về chính sách trong nhiều lĩnh vực - trong việc thúc đẩy những cuộc thảo luận có chiều sâu và hành động có trọng tâm. Đây sẽ là cầu nối hiệu quả giữa khu vực công và tư, giữa ý chí chính trị và đòi hỏi của thị trường, trở thành một nền tảng đáng tin cậy để đồng hành với những cải cách lớn vì sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!