Một nhóm kỹ sư tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) vừa trình làng robot hai chân mang tên Zippy với chiều cao chưa tới 4 cm nhưng lại có khả năng vận động linh hoạt như: đi bộ, nhảy, rẽ hướng và leo bậc thang.
Dù có ngoại hình nhỏ bé, Zippy được trang bị pin năng lượng, hệ thống truyền động và điều khiển tích hợp, giúp nó di chuyển với tốc độ hơn 0,8 km/h. Điều đặc biệt là robot này không cần điều khiển từ xa mà có thể tự khởi động và di chuyển theo lập trình.
"Người khổng lồ" trong hình hài tí hon
Cấu trúc vận động của Zippy dựa trên nguyên lý sinh học: robot nhấc chân trước, dịch chuyển trọng tâm, tận dụng động lượng để hoàn tất bước đi. Đáng chú ý, bàn chân tròn cho phép nó tạo đủ không gian để chân còn lại "vung qua" một cách mượt mà, tương tự cách con người đi bộ.
"Zippy có thể di chuyển với tốc độ gấp 10 lần chiều dài chân mỗi giây, tương đương một người trưởng thành chạy ở tốc độ hơn 30 km/h" - Giáo sư Sarah Bergbreiter, chuyên gia kỹ thuật cơ khí tại Đại học Carnegie Mellon, chia sẻ. Điều này khiến Zippy không chỉ là robot hai chân nhỏ nhất, mà còn là robot nhanh nhất từng được ghi nhận.
Zippy không chỉ là một minh chứng công nghệ mà còn là dự án nghiên cứu chiến lược nhằm hiểu rõ hơn về cách robot có chân vận động ở quy mô mini - vốn là thách thức rất lớn do sự hạn chế về không gian và khả năng truyền động.
"Trong một thế giới được thiết kế cho con người, robot hai chân có ưu thế hơn robot gắn bánh trong việc di chuyển qua địa hình gồ ghề, leo trèo và tránh chướng ngại vật" - Giáo sư Aaron Johnson, chuyên gia kỹ thuật cơ khí tại Đại học Carnegie Mellon, giải thích - "Vì vậy, chúng tôi đã tìm cách loại bỏ những cơ chế đi bộ phức tạp, tạo ra một nền tảng đơn giản nhưng hiệu quả".
Ứng dụng trong cứu hộ và thăm dò địa hình
Robot nhỏ như Zippy sở hữu một lợi thế đặc biệt là có thể tiếp cận những không gian cực kỳ chật hẹp, nơi con người hoặc các robot lớn hơn không thể tới được.
"Zippy có thể trở thành công cụ đắc lực trong tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra công nghiệp hay khám phá địa chất - những nơi con người khó tiếp cận hoặc tiềm ẩn nguy hiểm" - Steven Man, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định - "Kích thước nhỏ, tính linh hoạt và khả năng mở rộng là những yếu tố tạo nên tiềm năng to lớn của loại robot này".
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu dự định tích hợp camera và cảm biến điều hướng để Zippy có thể xác định vị trí, tự định hướng và tránh chướng ngại vật.
Đại học Carnegie Mellon đặt mục tiêu phát triển đội hình nhiều robot Zippy phối hợp cùng nhau, tạo thành hệ thống robot hợp tác để hoạt động trong môi trường nguy hiểm như hầm mỏ, công trình sụp đổ hay vùng núi hiểm trở.
Zippy là minh chứng cho một hướng đi khác biệt trong công nghệ robot, thay vì to lớn và mạnh mẽ thì thiết kế nhỏ nhưng thông minh và hiệu quả hơn. Trong tương lai không xa, những robot tí hon như Zippy có thể sẽ đồng hành cùng con người trong các nhiệm vụ sinh tồn, thám hiểm không gian hoặc cứu nạn nơi hiểm nguy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!