Nếu vài năm trước, bạn chỉ có thể thấy Tom Cruise nhảy múa trong "Mission: Impossible", thì giờ đây, với công nghệ deepfake, Tom Cruise có thể… nấu ăn trên TikTok, học nói giọng miền Tây hay thậm chí tranh cử hội trưởng lớp ở một trường cấp ba tại Cà Mau – tất nhiên là chỉ trong video được tạo ra bằng AI.
Deepfake – ghép từ "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo) – là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra video, hình ảnh hoặc âm thanh giả nhưng giống thật đến mức đánh lừa cả mắt thường lẫn tai nghe. Tưởng chỉ dừng lại ở việc "tấu hài mạng xã hội", nhưng deepfake đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho đời sống chính trị, pháp luật, giáo dục và thậm chí cả đời tư của bạn.
Không thể phủ nhận rằng AI và deepfake đang mở ra cánh cửa mới cho ngành công nghiệp giải trí, quảng cáo và đào tạo. Các nhà làm phim Hollywood có thể "hồi sinh" diễn viên đã khuất để hoàn tất dự án dang dở; thương hiệu có thể tạo ra KOL ảo vừa xinh đẹp vừa biết rap; thậm chí các trường đại học đã bắt đầu thử nghiệm mô hình "giảng viên ảo" nói 5 thứ tiếng không cần thông dịch viên.
(Mọi gương mặt sẽ được tái tạo một cách chân thực và giống người nhất)
Việc sử dụng deepfake trong điện ảnh, bảo tồn văn hóa hay truyền thông tương tác được đánh giá là một bước tiến đáng giá, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng trải nghiệm người dùng.
Google Trends gần đây cũng ghi nhận sự bùng nổ của các từ khóa như "deepfake là gì", "ứng dụng deepfake trong giáo dục", "video AI ảo" – cho thấy mức độ quan tâm tăng mạnh của cộng đồng công nghệ cũng như người dùng phổ thông. Nhưng không phải ai cũng dùng deepfake để "làm content vui vẻ". Theo báo cáo mới nhất từ Cyber Security Ventures, số vụ tội phạm mạng sử dụng công nghệ deepfake đã tăng gấp 20 lần chỉ trong vòng 3 năm qua. Những video giả mạo lãnh đạo chính trị phát ngôn nhạy cảm, doanh nhân nổi tiếng livestream "kêu gọi đầu tư" hay thậm chí là nạn nhân bị lồng mặt vào các video khiêu dâm – đều khiến deepfake trở thành ác mộng mới trong kỷ nguyên số.
Thử tưởng tượng một ngày, bạn thấy chính mình – hoặc người thân – xuất hiện trong một clip "nóng" mà chưa từng quay, giọng nói giống, nét mặt khớp từng cử động, đến mức không một AI nào cũng có thể phân biệt thật-giả nếu không truy xuất dữ liệu gốc. Lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm? Bạn? Người tạo ra video? Hay chính công nghệ?
Ở Mỹ, một số bang đã cấm sử dụng deepfake trong bầu cử và khiêu dâm không đồng thuận. Trong khi đó, EU đang đẩy mạnh các quy định về AI Act – đạo luật đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý công nghệ AI một cách toàn diện.
Các "đại gia công nghệ" như Meta, Google hay OpenAI cũng bị gây áp lực phải dán nhãn cho nội dung deepfake, nhưng việc kiểm soát toàn cầu vẫn là bài toán nan giải. Một vấn đề gây tranh cãi lớn là: liệu deepfake có thể được sử dụng như một dạng biểu đạt cá nhân trong nghệ thuật? Nhiều người sáng tạo nội dung lập luận rằng "AI chỉ là công cụ", còn vấn đề đạo đức nằm ở cách chúng ta sử dụng nó.
(Deepfake- ảo đến từng Centimet)
Tuy nhiên, nếu người xem không thể phân biệt đâu là sự thật, thì "sự sáng tạo" đó có thể nhanh chóng bị lợi dụng để thao túng nhận thức cộng đồng. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh tin giả, thao túng truyền thông và định hướng dư luận đang ngày càng tinh vi.
May mắn là cuộc chiến không phải không có lời giải. Nhiều startup và tổ chức phi lợi nhuận đã và đang phát triển các công cụ nhận diện deepfake dựa trên dấu hiệu vi mô như chớp mắt, chuyển động da mặt hoặc độ rung giọng. Các thuật toán kiểm chứng nguồn gốc dữ liệu, blockchain xác minh nội dung gốc và hệ thống dán nhãn AI-generated đang được tích hợp vào nhiều nền tảng mạng xã hội. Google, TikTok và Meta đều đang thử nghiệm gắn "nhãn AI" hoặc "synthetic content" cho video bị nghi giả mạo, nhưng tính hiệu quả còn phụ thuộc vào độ nhanh nhạy của cả con người lẫn máy móc.
Với người dùng mạng xã hội, deepfake từng là nguồn giải trí bất tận. Ai mà không cười lăn khi thấy ông chủ tiệm tạp hóa ở đầu ngõ được gắn mặt vào thân hình siêu mẫu rồi múa cột với điệu nhạc K-pop? Hay video gương mặt người yêu cũ ghép vào… nhân vật phản diện trong phim Marvel? Tuy nhiên, chính những trò đùa vô hại ban đầu lại đang khiến người dùng "chai lì" với sự giả mạo. Việc mọi thứ đều có thể là deepfake khiến công chúng ngày càng hoang mang, dẫn đến trạng thái "hoài nghi mặc định" – tức là không tin vào bất kỳ nội dung nào trên mạng, dù là tin tức chính thống.
Điều này vô hình trung gây ra hệ quả nguy hiểm: tin thật bị nghi ngờ, tin giả được chia sẻ vô tội vạ. Mạng xã hội giờ không còn là nơi lan tỏa thông tin, mà dần trở thành chiến trường của niềm tin.
Với các nhà sáng tạo nội dung, deepfake là "cây đũa thần" giúp họ vẽ nên những câu chuyện khó tin – từ "chuyển sinh ở thế giới AI" đến "kết hôn với người nổi tiếng bằng công nghệ". Tuy nhiên, khi deepfake bị siết chặt bởi luật pháp, chính họ cũng lo ngại về nguy cơ mất tự do sáng tạo. "Chúng tôi không làm nội dung để lừa đảo, mà để giải trí và thử nghiệm công nghệ," một YouTuber nổi tiếng chia sẻ. "Nhưng bây giờ chỉ cần dùng AI ghép mặt là bị nghi ngờ ngay."
Ranh giới giữa sáng tạo và đạo đức ngày càng mỏng manh, và nếu không có bộ tiêu chuẩn rõ ràng – chẳng hạn như minh bạch nguồn dữ liệu, có sự đồng thuận của người bị lồng mặt – thì khả năng "chết oan" vì bị quy chụp sẽ rất cao. Một số trường học tại châu Âu và Hàn Quốc đã bắt đầu lồng ghép giáo dục đạo đức số và kỹ năng nhận diện deepfake vào chương trình học phổ thông. Các học sinh được học cách phân biệt nội dung thật – giả, truy vết thông tin, và hiểu rõ về quyền hình ảnh cá nhân.
Tại Việt Nam, vấn đề này vẫn còn mới mẻ, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ, thế hệ Gen Alpha – vốn lớn lên cùng TikTok, Reels và AI – sẽ trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm của chính những sản phẩm deepfake do chúng tạo ra… chỉ để "câu view cho vui". Một tương lai không quá xa là khi mọi thứ đều có thể giả lập, thì liệu thật – giả còn quan trọng? Hay xã hội sẽ dần "sống chung với deepfake", giống như cách chúng ta từng học cách sống chung với mạng xã hội, tin giả và lừa đảo công nghệ?
Một số chuyên gia gọi đây là thời kỳ "Hậu sự thật 2.0" – nơi cảm xúc, định kiến và tốc độ chia sẻ thông tin được đặt cao hơn sự xác minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!