Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang định hình lại mọi lĩnh vực đời sống, dự án "Bình dân học AI" do CEO Lê Công Thành và cộng sự khởi xướng đã mở ra một hướng tiếp cận đột phá: biến AI trở thành công cụ lao động phổ thông, dễ tiếp cận với mọi tầng lớp. Không rào cản học thuật, không yêu cầu nền tảng kỹ thuật, dự án khơi dậy tinh thần tự học, lan tỏa tri thức, từng bước trang bị cho người Việt kỹ năng số trong thời đại mới.
Nỗ lực phổ cập AI đến mọi tầng lớp trong xã hội
Ra đời ngay sau khi làn sóng trí tuệ nhân tạo lan rộng tại Việt Nam, dự án "Bình dân học AI" - do anh Lê Công Thành, Giám đốc Công ty công nghệ InfoRe, cùng các cộng sự sáng lập - đã nhanh chóng thu hút hơn 400.000 thành viên tham gia.
Mục tiêu của dự án là giúp mọi người học và ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách đơn giản, thực tiễn, biến AI trở thành công cụ làm việc hiệu quả trong đời sống hằng ngày. "Bình dân học AI" được xem là phiên bản hiện đại của phong trào "Bình dân học vụ", một nỗ lực phổ cập AI đến mọi tầng lớp trong xã hội, từ nông dân, công nhân, người lao động phổ thông đến sinh viên, nội trợ. Không rào cản học thuật, không yêu cầu trình độ nền, "Bình dân học AI" mở ra một không gian học tập cởi mở, nơi bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận, học hỏi và ứng dụng công nghệ mới vào công việc và cuộc sống.
Khi bắt đầu khởi xướng dự án, anh Thành và các cộng sự đã đối mặt với không ít khó khăn, trong đó, rào cản tâm lý của người lao động là một trong những trở ngại lớn. Nhiều người e ngại AI quá phức tạp và không phù hợp với trình độ của họ.
Để tháo gỡ rào cản này, "Bình dân học AI" đã xây dựng chương trình học theo hướng cá nhân hóa, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Người nông dân giờ đây có thể tận dụng AI để phân tích dữ liệu nông nghiệp, từ đó dự báo mùa vụ, nâng cao năng suất và cắt giảm chi phí. Thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống, họ được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng AI để nhận diện sâu bệnh, phát hiện tình trạng thiếu dinh dưỡng hay đánh giá độ ẩm đất thông qua hình ảnh và dữ liệu thực địa.
Anh Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Hiện nay, dự án được tổ chức thành hai nhóm chính: nhóm học để ứng dụng vào công việc thực tế và nhóm vừa học vừa chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Nhóm thứ nhất tập trung khai thác AI nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả trong các ngành nghề cụ thể. Trong khi đó, nhóm thứ hai, mang tên "luyện AI", hướng đến việc xây dựng lực lượng "tinh nhuệ", gồm những thành viên hiểu sâu, làm giỏi và sẵn sàng truyền đạt lại cho người khác.
Anh Gia Long, 31 tuổi, kinh doanh trong lĩnh vực F&B chia sẻ: "Mình tham gia nhóm đã được khoảng 1 năm. Vì là một startup, mình muốn tự học hỏi và tìm tòi mọi thứ. Từ khi tham gia vào group thì bản thân có thể tự lên ý tưởng, viết quảng cáo, việc mà trước đây mình phải mất một khoản kha khá để thuê đội ngũ marketing".
Lan tỏa tri thức số từ phương pháp học hiệu quả
Tôn chỉ "Học để làm" và "Dạy để học" đã được anh Thành và các cộng sự lựa chọn làm kim chỉ nam cho dự án "Bình dân học AI". Các thành viên không chỉ được khuyến khích học hỏi mà còn chia sẻ kiến thức với nhau, tận dụng nguồn tài nguyên mở phong phú. Tại đây, công nghệ AI cùng các phương pháp mới nhất dù chỉ mới được áp dụng ở các nước phát triển, nhưng gần như đã được chia sẻ ngay lập tức, giúp cộng đồng tiếp cận nhanh chóng.
Dự án cũng áp dụng phương pháp "Feynman Technique" - học thông qua việc giảng dạy cho người khác, giúp củng cố kiến thức và tạo ra một cộng đồng học tập năng động, nơi mỗi người vừa là người học, vừa là người truyền đạt.
Một trong những điểm sáng tạo nổi bật của dự án là mô hình học tập “Microlearning” - mỗi ngày học một ít. Với cách tiếp cận này, người học chỉ cần dành khoảng 15 phút mỗi ngày để tìm hiểu và thực hành ứng dụng AI, phù hợp với những người bận rộn nhưng vẫn mong muốn trau dồi tri thức. Mọi đóng góp, chia sẻ trong quá trình học đều được hệ thống chatbot AI ghi nhận, phản hồi và đánh giá tự động, giúp học viên theo dõi tiến độ và nhận thấy rõ sự tiến bộ của bản thân theo thời gian.
Ngoài ra, dự án còn tích cực hợp tác với các tỉnh và trường đại học, tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho đội ngũ cán bộ nòng cốt. Sau khi hoàn thành khóa học, các cán bộ này sẽ tự đứng ra tổ chức các lớp học tại địa phương, nhằm lan tỏa kiến thức AI đến cộng đồng và giúp những người chưa tiếp cận được công nghệ này.
"Tôn chỉ tại các lớp đào tạo AI của chúng tôi là những ai đã học và nắm vững kiến thức sẽ truyền đạt lại cho người chưa biết. Phong trào cứ thế lan rộng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng. Mọi người tham gia với tinh thần tự nguyện, mong muốn không chỉ cập nhật kiến thức mới mà còn lan tỏa những hiểu biết đó đến những người khác," anh Thành chia sẻ. Đồng thời, anh cũng khẳng định rằng, việc dạy cho người khác chính là phương pháp học hiệu quả nhất, giúp mỗi người ghi nhớ sâu sắc hơn.
Tôn chỉ "Học để làm" và "Dạy để học" được lựa chọn làm kim chỉ nam cho dự án "Bình dân học AI" (Ảnh minh họa)
Nắm bắt AI để học tập suốt đời
Bài viết gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, học tập suốt đời là chìa khóa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Để thực hiện được chủ trương này, cần có những phương pháp, kỹ năng và điều kiện phù hợp. Trong đó, AI đóng vai trò then chốt, chứa đựng và giúp kết nối những kho tàng kiến thức của nhân loại. Làm chủ AI sẽ không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy học tập suốt đời. Chưa thành thạo, việc tự học sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo anh Thành, trí tuệ nhân tạo hiện nay đã đạt đến bậc 3, khi các công cụ AI có khả năng tự hành và thực hiện công việc một cách tự động, thay vì chỉ đơn giản là thực hiện các lệnh của người dùng. Điều này cho thấy nếu không trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng AI, người lao động ở mọi ngành nghề sẽ đối mặt với nguy cơ bị đào thải. Trong đó, những công việc lặp đi lặp lại, theo quy trình khuôn mẫu, sẽ là những ngành nghề dễ bị AI thay thế nhất.
Nỗi lo bị thay thế bởi AI đang lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia công nghiệp phát triển. Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Ipsos năm 2023, 69% người lao động tại Australia lo ngại công việc của họ sẽ bị AI thay thế. Tỷ lệ này lần lượt là 65% ở Anh, 63% tại Canada và Mỹ và 58% ở Ấn Độ. Những con số này phản ánh một thực tế: nếu không hiểu rõ về AI tạo sinh và không được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ mới, người lao động sẽ dễ dàng bị đào thải.
Nếu không trang bị kiến thức và kỹ năng AI, người lao động ở mọi ngành nghề sẽ đối mặt với nguy cơ bị đào thải (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, dù quá trình chuyển đổi số đã được đẩy mạnh trong vài năm gần đây, kỹ năng số của phần lớn người lao động vẫn còn hạn chế, chủ yếu xoay quanh việc sử dụng các phần mềm thế hệ cũ, chưa bắt kịp xu hướng tích hợp AI.
Theo anh Thành, nếu coi AI là những "cỗ xe" hiện đại, thì người lao động chính là "tài xế" cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để điều khiển, vận hành chúng hiệu quả trong không gian số. Anh Thành tin rằng, mỗi người Việt đều có thể góp phần viết tiếp câu chuyện về phép màu công nghệ, hướng tới một tương lai nơi AI trở thành "bộ não thứ hai" của hàng triệu người lao động, cùng hiện thực hóa khát vọng tự lực, tự cường, làm giàu tri thức cho đất nước.
"Bình dân học AI" đang khơi dậy một làn sóng học tập mới - làn sóng của sự tự tin, tri thức và kiên định. Phổ cập AI không chỉ là trách nhiệm của các chuyên gia công nghệ mà cần trở thành nỗ lực chung của toàn xã hội, hướng tới xây dựng một quốc gia thông minh và phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!