Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997). (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Nhà nước ta trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (1997–2002 và 2002–2006). Trong suốt thời gian đó, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết quan trọng của Đảng, đưa đất nước bước vào thế kỷ XXI với khí thế mới, quyết tâm cao, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Là một nhà lãnh đạo từng trải qua thực tiễn phong phú, sôi động – từ khoa học, kỹ thuật đến quản lý kinh tế, đồng chí Trần Đức Lương đã đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Chính môi trường công tác đa dạng đó đã hun đúc ở đồng chí tác phong của một nhà lãnh đạo kỹ trị. Trên cương vị Chủ tịch nước, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí đã tham gia hoạch định nhiều chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Khi được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đồng chí trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách tư pháp – một cấu phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại dấu ấn sâu đậm về một nhà lãnh đạo hội tụ tư duy, tầm nhìn chiến lược và phong cách lãnh đạo thẳng thắn, quyết đoán.
Tư duy chiến lược về công nghiệp hóa và hiện đại hóa
Từ nỗi trăn trở trước yêu cầu phát triển và khát vọng chấn hưng đất nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần định hình tầm nhìn dài hạn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành "Một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại". Vì chỉ có đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ứng dụng khoa học – công nghệ mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Ngay từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, đồng chí đã xác định rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo bước chuyển mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh – từ từng sản phẩm, từng ngành đến toàn bộ nền kinh tế.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm việc với cán bộ chủ chốt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang (1999). (Ảnh: TTXVN)
Tư duy chiến lược của đồng chí về công nghiệp hóa còn thể hiện ở việc huy động nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển, nhất là kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển. Trong diễn văn chiêu đãi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nêu rõ Việt Nam là nước đang phát triển, "đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nhu cầu lớn về trang bị công nghệ, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý". Đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ "tăng cường hợp tác về kinh tế - thương mại, về khoa học - công nghệ, về y tế, về giáo dục và đào tạo" coi đó là phương cách thiết thực để làm cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng tốt hơn, "giúp cho Việt Nam có điều kiện phát triển đất nước, nhanh chóng nâng cao phúc lợi và đời sống nhân dân". Có thể thấy, tầm nhìn về công nghiệp hóa của Chủ tịch Trần Đức Lương mang đậm tính thực tiễn và hội nhập quốc tế: tận dụng các hội ở trong và ngoài nước để phát triển: giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, công nghiệp, hiện đại hóa hạ tầng và nâng cao trình độ quản lý nhà nước.
Nhà lãnh đạo sâu sát cơ sở
Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo sâu sát cơ sở. Tư duy chiến lược và khoa học của đồng chí được thể hiện rõ nét qua từng chuyến thăm và làm việc với đảng bộ, chính quyền các địa phương. Trong chuyến làm việc với tỉnh Hưng Yên năm 2004 – địa phương đang trong giai đoạn phát triển mạnh về công nghiệp – đồng chí đã thẳng thắn chỉ rõ: "Thực tế một vài năm qua cho thấy tỉnh Hưng Yên là một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, song nếu phát triển các khu công nghiệp tự phát, không theo quy hoạch như hiện nay sẽ làm cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường trở nên khó khăn hơn về sau".
Đồng chí đã cảnh báo về nguy cơ khi các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp riêng lẻ được xây dựng "bám dọc" theo Quốc lộ 5 có thể gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong quản lý hạ tầng và môi trường về lâu dài. Từ thực tế đó, đồng chí nhấn mạnh yêu cầu các địa phương đang phát triển công nghiệp phải xây dựng quy hoạch bài bản, bảo đảm phát triển có lộ trình,"để phát triển bước sau kế tiếp được bước trước."
Cách nhìn nhận của Chủ tịch nước Trần Đức Lương thể hiện rõ quan điểm: phát triển kinh tế – xã hội phải bền vững, gắn chặt với bảo vệ môi trường và thực hiện theo quy hoạch đồng bộ, kiên quyết tránh tình trạng "tăng trưởng nóng". Trong các chuyến thăm và làm việc với nhiều địa phương, đồng chí luôn nhấn mạnh yêu cầu phải học hỏi kinh nghiệm – cả thành công lẫn thất bại – từ các tỉnh, thành đi trước, để không lặp lại những bài học phải trả giá đắt. Đồng chí cảnh báo: "Nếu không giải quyết kịp thời các vấn đề như đào tạo nghề, cấp nước, vệ sinh môi trường thì chính các tỉnh sẽ phải trả giá, mà nhiều tỉnh, thành đã và đang phải trả giá rồi, nhất là về môi trường". Ở thời điểm đó, đồng chí đã chỉ rõ nếu các địa phương đào tạo được nguồn nhân lực tốt thì các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào địa phương đó."Như vậy, con em chúng ta ở vùng nông thôn không phải lên thành thị để kiếm sống, các cháu vừa tiết kiệm được tiền thuê nhà, chi phí ăn uống đắt đỏ, mà các đô thị lớn như thành phố Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh không phải chịu sức ép lớn về nhà ở, hạ tầng và các dịch vụ xã hội".
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đề nghị các địa phương phải có chiến lược phát triển tổng thể, trong đó, quy hoạch xây dựng các khu dân cư phải gắn với quy hoạch khu công nghiệp theo mô hình đô thị hiện đại. Bởi theo đồng chí, muốn phát triển công nghiệp một cách bền vững thì"không thể kéo dài tình trạng công nhân làm công nghiệp nhưng lại phải thuê nhà trọ trong các làng, xóm".
Với tư duy hệ thống và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo kỹ trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn thể hiện sự nhạy bén trong nhận diện sớm những vấn đề tiềm ẩn trong quá trình phát triển tại các địa phương. Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng vào tháng 4 năm 2005, đồng chí đặc biệt lưu ý đến tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và sự phát triển thiếu cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn của thành phố. Đồng chí chỉ rõ: "Tôi thấy cả Chính phủ và chính quyền thành phố cứ phàn nàn về ô nhiễm môi trường mà không thực hiện được những dự án cụ thể để giải quyết vấn đề cấp bách này. Nói lý thì ai cũng nói được nhưng chưa quan tâm đúng mức. Hải Phòng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải từ lâu nhưng tại sao chậm đến bây giờ không thực hiện nổi. Tại sao Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ, nghèo hơn Hải Phòng mà xây dựng được một loạt các nhà máy xử lý chất thải loại nhỏ mà Hải Phòng lại không làm được".
Qua những nhận định và chỉ đạo này, có thể thấy rõ phong cách lãnh đạo sâu sát, gần dân và đề cao hiệu quả thực chất của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Không bằng lòng với những phát biểu hình thức, đồng chí luôn yêu cầu hành động cụ thể, quyết liệt và có lộ trình rõ ràng. Chính tinh thần đó đã góp phần tạo nên những chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại nhiều địa phương.
Phát triển vùng khó khăn và thu hẹp khoảng cách
Một điểm nổi bật trong tư duy phát triển của Chủ tịch Trần Đức Lương là sự quan tâm tới các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, đồng chí đã nhiều lần trực tiếp thị sát, thăm, làm việc tại các địa phương có điều kiện khó khăn nhất. Đầu năm 2006, về thăm và chúc Tết đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai – một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, đồng chí một mặt biểu dương Lào Cai dù xuất phát điểm thấp nhưng đã "đạt được những thành tựu vượt bậc về phát triển công nghiệp, kinh tế cửa khẩu và đô thị hóa". Với tầm nhìn của một nhà kỹ trị, đồng chí đề nghị đảng bộ, chính quyền các cấp phải có tầm nhìn, bước đột phá mới trong huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, nhất là tập trung vào lợi thế khai thác khoáng sản, gắn với chế biến sâu và kinh tế cửa khẩu: "Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục tìm nguồn vốn vay để vừa xây dựng tuyến đường cao tốc mới nối Hà Nội - Lào Cai với Vân Nam, vừa nâng cấp quốc lộ 70 và tuyến đường sắt hiện có, nếu hoàn thành trong năm 2007, thì đây là tuyến đường quan trọng để vận chuyển các loại vật tư, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và các loại khoáng sản từ Lào Cai về xuôi".
Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói chuyện với đồng bào các dân tộc xã Phong Dụ, huyện miền núi Tiên Yên (Quảng Ninh), năm 1997. (Ảnh: TTXVN)
Với tầm nhìn đó, Chủ tịch Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh con đường phát triển bền vững cho các địa phương miền núi là công nghiệp hóa gắn với kinh tế địa phương. Đồng chí khẳng định:"chỉ có đẩy nhanh công nghiệp hóa gắn liền với phát triển kinh tế cửa khẩu, Lào Cai mới có đủ lực để cải thiện đời sống của bà con các dân tộc thiểu số". Song hành với công nghiệp, đồng chí nhắc nhở lãnh đạo tỉnh không lơ là phát triển nông thôn, miền núi: cần bảo đảm các dự án phát triển mang lại lợi ích đồng đều, thu hẹp chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Sự sâu sát này thể hiện tầm nhìn của về phát triển kinh tế địa phương phải gắn với an sinh xã hội, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, như mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Trong các chuyến công tác tại Tây Nguyên đầu năm 2005 – thời điểm nhạy cảm về an ninh chính trị tại khu vực này – Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trực tiếp chỉ đạo nhiều giải pháp quan trọng, thể hiện tư duy lãnh đạo gắn bó với cơ sở và nhạy bén với thực tiễn. Trước những biểu hiện chia rẽ dân tộc do các thế lực thù địch kích động, đồng chí kêu gọi Đảng bộ và chính quyền địa phương "phải bám sát dân, nắm dân tốt hơn" để giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng chí nhấn mạnh, chính sự thiếu sâu sát của cán bộ cơ sở trong nắm dân là nguyên nhân để kẻ xấu lợi dụng. Với cách nhìn rõ thực tiễn và nắm chắc căn nguyên vấn đề, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải: "kiểm điểm lại để cả hệ thống chính trị trưởng thành hơn và đưa ra được các giải pháp thực chất để nắm lại dân và phát động được phong trào quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, đi cùng với giúp bà con đổi mới phương thức sản xuất, giao đất, tạo việc làm, tăng cường đào tạo nghề" như một giải pháp đồng bộ để phát triển và ổn định an ninh chính trị tại khu vực chiến lược này.
Qua hai nhiệm kỳ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có rất nhiều chuyến thăm và làm việc tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để thăm hỏi, động viên đồng bào, đồng chí. Tháng 3 năm 2005, trong chuyến thăm và làm viêc tại huyện đảo Phú Quốc, đồng chí đã ra tận xã đảo Thổ Chu – điểm dân cư xa nhất phía Tây Nam của Tổ quốc – để thăm hỏi hơn 1 nghìn quân và dân đang sinh sống, bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió. Hình ảnh người đứng đầu Nhà nước đến với đồng bào vùng biển đảo xa xôi thể hiện sự gần dân, sát cơ sở, đồng thời cho thấy quyết tâm của đồng chí trong việc lắng nghe tiếng nói thực tiễn từ cơ sở, để từ đó cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định những chủ trương phù hợp với yêu cầu phát triển từng vùng, từng địa bàn đặc thù của đất nước.
Tinh thần dám nói những điều cần nói
Trong suốt hai nhiệm kỳ từ 1997 – 2006, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nổi bật với phong cách lãnh đạo nhất quán về mục tiêu, sâu sát thực tiễn và luôn vận dụng tư duy khoa học, thái độ nghiêm túc, khách quan để nhìn thẳng vào thực trạng, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong bộ máy quản lý nhà nước và nền kinh tế, từ đó thúc đẩy đổi mới trên cơ sở thực tiễn.
Với bản lĩnh của một nhà lãnh đạo kỹ trị gắn bó với thực tiễn, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại những di sản quý báu. Đặc biệt, tư duy chú trọng phát triển hài hòa giữa các vùng miền luôn được đồng chí theo đuổi nhất quán đã góp phần hình thành các chương trình xóa đói giảm nghèo mang tính bền vững, cải thiện rõ nét diện mạo nhiều khu vực còn khó khăn trên cả nước.
Trong chuyến thăm các huyện miền Tây tỉnh Thanh Hóa và hai huyện miền núi biên giới của tỉnh Nghệ An là Tương Dương và Con Cuông, đồng chí đã đề xuất xây dựng một chương trình phát triển kinh tế – xã hội mang tầm quốc gia, hoặc tích hợp các chính sách hiện hành tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg và Quyết định số 135/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 134 – 135) thành một chương trình tổng thể. Đồng chí nhấn mạnh: "Phải xây dựng chương trình phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội tầm quốc gia. Tôi cho rằng nên nghiên cứu gộp các chính sách hiện nay như 134 – 135 lại thành một chương trình chung có mục tiêu, chính sách riêng hẳn hoi".
Đồng chí chỉ rõ: "Với một nguồn lực ít mà chỉ tập trung đầu tư vào xây đường, trường học như những năm 1990 thì không biết bao giờ mới nâng được đời sống của bà con ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số". Gần 20 năm sau, đề xuất này của đồng chí đã trở thành hiện thực bằng Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 1 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Giai đoạn 2000–2006, chứng kiến sự nổi lên của nhiều thách thức trong quá trình đất nước chuyển mình sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó quản lý đất đai trở thành một trong những vấn đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc, đặt ra yêu cầu cấp bách về hoàn thiện thể chế và tăng cường giám sát thực thi. Chủ tịch nước Trần Đức Lương thể hiện tư duy phản biện sắc sảo khi đề cập đến những lĩnh vực nhạy cảm này. Đồng chí kiên trì ủng hộ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai – thể hiện rõ qua việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2003 và đồng chí là người ký lệnh công bố đạo luật này, đặt nền móng cho việc quản lý đất đai ngày càng minh bạch, hiệu quả. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những tồn tại trong thực thi chính sách và pháp luật về đất đai tại các địa phương, nhất là ở những địa phương đang phát triển nhanh.
Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang năm 2005 (nay là thành phố Phú Quốc) – thời điểm địa phương này đang phát triển "quá nóng" và nảy sinh nhiều sai phạm trong quản lý đất đai – Chủ tịch nước Trần Đức Lương nêu rõ: "Vai trò, vị trí của Phú Quốc đã có trên lý thuyết từ lâu. Trước đây để phát triển tự phát, còn bây giờ các nhà đầu tư lại xếp hàng để chờ chúng ta quy hoạch mà thậm chí bây giờ lại cấm xây dựng là không thể được".
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đồng chí không né tránh các vấn đề gai góc, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thẳng thắn chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn là do:"lỗi chậm xây dựng quy hoạch của các bộ, ngành và trách nhiệm của cả Chính phủ";"những sai phạm về quản lý đất đai, dẫn đến việc hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc đang phải thu hồi hơn 9 triệu m² đất là sự trả giá đầu tiên cho việc chậm có quy hoạch tổng thể". Sai phạm này không chỉ do người dân, cán bộ mà còn là sự thiếu sót của đảng bộ, chính quyền cấp tỉnh và huyện cùng với các bộ đã không bám sát thực tiễn. Đồng chí cho rằng: "Trả giá không tránh khỏi nhưng quan trọng là cần phải khắc phục những thiếu sót của mình từ những sai lầm đó. Nếu không, bây giờ là nảy sinh vấn đề đất đai nhưng mai sau tỉnh có biết là sẽ nảy sinh thêm vấn đề gì nữa". Quan điểm kiên định, phản biện sắc sảo và tư duy thực tiễn ấy thể hiện rõ bản lĩnh lãnh đạo của một nhà kỹ trị – luôn lấy lợi ích lâu dài của đất nước, nhân dân và sự phát triển bền vững làm nguyên tắc trong mọi quyết sách.
Để đưa Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch tầm vóc khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng định hướng phát triển huyện Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch và thương mại quốc tế theo Quyết định số 178/2004/QĐ-TTG ngày 5 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 là đã có đủ tầm vóc, song:"Tốc độ triển khai hiện nay còn quá chậm. Ngay như việc xây dựng các cảng biển được khởi động từ giữa những năm 1990, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai". Bên cạnh đó:"việc cấp điện sinh hoạt cho hơn 80 nghìn người dân trên đảo, cho du lịch và thương mại, cùng với việc xây dựng hạ tầng về giao thông cần phải được tính đến ngay". Đồng chí đề nghị Chính phủ sớm xây dựng quy hoạch phát triển huyện Phú Quốc bài bản, có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch, nông, lâm nghiệp và dân sinh nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Có như vậy mới bảo đảm cho cả cộng đồng dân cư trên đảo cùng phát triển một cách đồng đều.
Không chỉ thẳng thắn chỉ ra những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn thể hiện năng lực nhận diện sớm những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên bình diện quốc gia. Năm 2006, trong chuyến thị sát Dự án xây dựng thủy lợi Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa – công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam thời điểm đó – đồng chí bày tỏ sự lo ngại về chất lượng và mức độ an toàn của công trình, khi khối lượng đất đá dùng để đắp đập ngăn sông Chu lớn gấp đôi so với đập thủy điện Hòa Bình, trong khi khu vực thi công lại nằm trên nền địa chất yếu. Nỗi lo lớn hơn, theo đồng chí, là việc: "một công trình thủy lợi thuộc loại lớn nhất cả nước, có tổng mức đầu tư không dừng lại ở mức dự toán 7.000 tỷ đồng, lại chỉ do một ban quản lý dự án trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành". Ở thời điểm bấy giờ, đó là lần đầu tiên một đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặt dấu hỏi đối với mô hình Ban Quản lý các dự án trực thuộc các bộ.
Từ thực tiễn đó, đồng chí đã đề nghị Chính phủ cần đổi mới phương thức quản lý các dự án đầu tư công. Trong bối cảnh cả nước vẫn chưa nguôi bức xúc sau vụ việc tiêu cực nghiêm trọng tại Ban Quản lý dự án (PMU) 18, thuộc Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải thay đổi cách thức quản lý các dự án có sử dụng vốn Nhà nước theo hướng minh bạch, xác định rõ trách nhiệm và nâng cao hiệu quả. Đồng chí đồng thời chỉ rõ, mô hình ban quản lý dự án trực thuộc các bộ không còn phù hợp, do không chịu sự điều chỉnh đầy đủ bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, dẫn đến những rủi ro lớn trong quản lý và giám sát hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.
Từ những phân tích cụ thể đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã sớm đặt vấn đề cải cách phương thức quản lý đầu tư công một cách căn cơ và toàn diện. Đề xuất phải thay đổi phương thức quản lý các dự án đầu tư công của đồng chí không chỉ mang tính thực tế cao, mà còn phản ánh tư duy đổi mới quyết liệt trong quản lý nhà nước, nhằm tránh lặp lại các sai lầm đáng tiếc.
Quyết liệt cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Một trong những dấu ấn nổi bật của Chủ tịch Trần Đức Lương là vai trò kiến tạo trong cải cách tư pháp. Trên cương vị là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách tư pháp những năm đầu thập niên 2000, đạt được nhiều kết quả nổi bật được quốc tế ghi nhận, góp phần từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Trần Đức Lương, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2 tháng 1 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương trong thực tiễn với trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Đồng chí đã thể hiện sự quyết đoán trong việc đề ra các giải pháp cải cách mạnh mẽ, nhất là công tác xét xử của Tòa án, từng bước đưa việc tranh tụng trong xét xử của Tòa án vào nền nếp, tránh được những vụ án oan sai gây bức xúc – một yêu cầu rất nhân văn và cấp bách ở thời điểm bấy giờ. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp đã được thực hiện thành công: bộ máy Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân từng bước được kiện toàn, đồng thời các bộ luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các bộ luật về tố tụng... lần lượt được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, cơ sở vật chất của hệ thống tòa án trong cả nước từng bước được tăng cường.
Tư duy cải cách tư pháp của Chủ tịch Trần Đức Lương – hướng tới một nền tư pháp "của dân, do dân, vì dân" – đã đặt nền móng quan trọng cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước
Thời kỳ từ 1997 đến 2006 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhằm củng cố vị thế, uy tín quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những kiến trúc sư quan trọng của tiến trình này.
Thành công về đối ngoại nổi bật trong giai đoạn từ 1997 – 2006 là việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp, từ ngày 14 - 16 tháng 11 năm 1997; Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 5 (ASEM 5) từ ngày 8 - 9 tháng 10 năm 2004, qua đó nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nhiệm kỳ 1997 – 2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp xúc cấp cao, hội đàm với 56 Nguyên thủ quốc gia, 27 Thủ tướng và 22 Chủ tịch Quốc hội của các nước. Trong đó có các nước bạn bè truyền thống như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên bang Nga; các nước phương Tây như: Mỹ, Pháp; và các nước châu Phi, Mỹ Latin,… góp phần củng cố hoặc mở ra các mối quan hệ mới trong hợp tác phát triển với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước lớn và các tổ chức quốc tế.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8/1998
Trên lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đức Lương theo sát tiến trình đàm phán và thực thi Hiệp định Thương mại song phương Việt–Mỹ (BTA), được ký vào tháng 7 năm 2000 và coi đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp đó, với sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Bộ Chính trị, trong đó có sự đóng góp tích cực của đồng chí, các cuộc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện để Việt Nam đạt được thỏa thuận gia nhập tổ chức này vào cuối năm 2006.
Tầm nhìn của Chủ tịch nước Trần Đức Lương về hội nhập quốc tế là nhất quán và có chiều sâu: hội nhập để phát triển, nhưng phải bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Quan điểm đó đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam từng bước hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và toàn cầu, tạo nền tảng để Đảng ta tiếp tục nâng tầm tư duy từ "hội nhập kinh tế quốc tế" sang "hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện".
Nhìn lại hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước 1997–2002 và 2000–2006, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển nổi bật của đất nước ta trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Đồng chí là một nhà lãnh đạo luôn trăn trở, dành nhiều tâm huyết cho những vấn đề cốt lõi của đất nước; dám nói những điều cần nói, dám làm những việc khó làm và dám chịu trách nhiệm về những quyết định vì lợi ích chung.
Sự thẳng thắn và quyết đoán của đồng chí phản ánh tầm vóc của một nhà kỹ trị tận tụy, luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia – dân tộc và của Nhân dân lên trên hết, trước hết, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn tin tưởng sâu sắc vào tương lai đất nước, bởi: "Chưa bao giờ chúng ta lại có được những điều kiện để phát triển đất nước về kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại như ngày nay. Có những việc mà trước đây chưa lâu chỉ dám mơ thì nay đã có. Vì vậy, phải làm hết sức mình, tập trung trí tuệ để chấn hưng đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh như mong muốn của Bác Hồ".
Tư duy, tầm nhìn và hành động của đồng chí không chỉ góp phần tháo gỡ những thách thức trong ngắn hạn, mà còn tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Đó chính là dấu ấn đậm nét mà Chủ tịch Trần Đức Lương để lại – một nhà lãnh đạo kỹ trị, gần dân, tận tụy vì nước, vì dân, trong giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng của Việt Nam giữa hai thiên niên kỷ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!