Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước là người đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Nhà nước ta trong hai nhiệm kỳ từ năm 1997 đến năm 2006. Trong suốt thời gian đó, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra nhiều quyết sách góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế - xã hội, từng bước ổn định và phát triển và tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Là một nhà lãnh đạo từng trải qua thực tiễn phong phú, sôi động - từ khoa học, kỹ thuật đến quản lý kinh tế và trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí đã để lại dấu ấn sâu đậm về một nhà lãnh đạo hội tụ tư duy, tầm nhìn chiến lược và phong cách lãnh đạo thẳng thắn, quyết đoán.
''Trên cương vị công tác của mình, tôi hứa sẽ đề cao trách nhiệm cá nhân quan tâm chăm lo các mặt công tác đối nội, đối ngoại cũng như sự nghiệp đảm bảo quốc phòng và an ninh của nhà nước ta được thực hiện thắng lợi, tuân thủ đường lối chủ trương của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân'', đây là phát biểu nhậm chức trước Quốc hội của Chủ tịch nước Trần Ðức Lương trong nhiệm kỳ thứ 2 từ năm 2002 đến năm 2006.
Trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo kỹ trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cải cách tư pháp - một cấu phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới.
Đây là giai đoạn Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp, Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5; ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.
Với tư duy hệ thống và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo kỹ trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn thể hiện sự nhạy bén trong nhận diện từ sớm những vấn đề tiềm ẩn trong quá trình phát triển tại các địa phương, nhất là tình trạng phát triển quá nóng ở một số địa phương đầu những năm 2000, dẫn đến buông lỏng quản lý đất đai và chưa coi trọng bảo vệ môi trường. Từ việc sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn, đồng chí đã sớm chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong bộ máy quản lý nhà nước và nền kinh tế, từ đó đóng góp ý kiến với Chính phủ kịp thời khắc phục nhiều bất cập, thúc đẩy đổi mới trên cơ sở thực tiễn.
Với tư duy và tầm nhìn của mình, cách đây hơn 20 năm, đồng chí đã chỉ ra những bất cập mô hình ban quản lý dự án tại các bộ ngành, sau khi xảy ra tiêu cực tại PMU18; là người đã chỉ ra những bất cập của các chương trình xóa đói giảm nghèo 134 - 135, đồng thời kiến nghị các bộ ngành và Chính phủ nghiên cứu xây dựng các chương trình tầm quốc gia như hai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay.
Từ nỗi trăn trở trước yêu cầu phát triển và khát vọng chấn hưng đất nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần định hình tầm nhìn dài hạn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương được Đại hội lần thứ VIII của Đảng.
Sự thẳng thắn và quyết đoán của Chủ tịch nước Trần Đức Lương phản ánh tầm vóc của một nhà lãnh đạo kỹ trị tận tụy, luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và của Nhân dân lên trên hết, trước hết, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư duy, tầm nhìn và hành động của đồng chí không chỉ góp phần tháo gỡ những thách thức trong ngắn hạn, mà còn tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Đó chính là dấu ấn đậm nét mà đồng chí để lại trong giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng của Việt Nam giữa hai thiên niên kỷ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!