Quy định có tính khái quát về việc phân định các đơn vị hành chính
Sáng 7/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban xác định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm có 2 điều; Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Trong đó, về tổ chức đơn vị hành chính và một số nội dung khác về chính quyền địa phương (tại Chương IX của Hiến pháp năm 2013), Thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, Ủy ban đề nghị chỉ quy định có tính khái quát về việc phân định các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 110 gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.
Đồng thời, thể chế hóa kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, không sử dụng thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương"; không quy định Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tại khoản 2 Điều 115 để phù hợp với tính chất và mô hình tổ chức các cơ quan nhà nước ở địa phương sau khi thực hiện sắp xếp.
Lý giải về đề nghị không sử dụng thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương", Ủy ban nhận thấy, trong thực tế hiện nay, việc sử dụng thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương" để chỉ chính quyền địa phương tại những đơn vị hành chính tổ chức đồng thời cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân dễ gây nhầm lẫn với thuật ngữ "chính quyền địa phương" nói chung, bao gồm cả những địa phương hiện nay đang tổ chức mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức Hội đồng nhân dân). không sử dụng thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương" để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn.
Làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (tại Điều 9 và Điều 84 của Hiến pháp năm 2013), để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9 để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh tại khoản 1 Điều 84 của Hiến pháp năm 2013 để thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 nêu trên.
Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 như sau:
(1) Khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(2) Quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về Công đoàn Việt Nam (tại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013), trên cơ sở kế thừa hợp lý quy định hiện hành của Hiến pháp về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn và bảo đảm thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời, bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!