Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 05/05/2025 16:16 GMT+7

bangdatally.xyz - Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để trình Quốc hội.

Chiều 5/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Quốc hội cũng thông qua việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ủy ban gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch.

Ba Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp chiều 5/5

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được sử dụng con dấu của Quốc hội, có cơ quan thường trực là Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Sửa Hiến pháp cần đúng quy trình, quy định, tiến hành lấy ý kiến Nhân dân

Trước đó, thảo luận tại Tổ về nội dung này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp quan trọng, vì vậy khai mạc sớm 2 tuần so với thường lệ để có đủ thời gian xem xét các nội dung, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cần đảm bảo đúng quy trình, quy định, tiến hành lấy ý kiến Nhân dân.

"Nếu có thể, sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản, dự kiến kỳ Đại hội sau, có thể tính toán bổ sung Cương lĩnh phát triển đất nước để có tầm nhìn dài hơn, định hình sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới như thế nào, khi đó mới xem xét sửa đổi Hiến pháp", Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu

Nhấn mạnh chúng ta cùng lúc phải làm rất nhiều "đồng thời", Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chúng ta phải đồng thời tập trung chuẩn bị đại hội Đảng các cấp; sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy – muốn tổ chức đại hội Đảng thì phải có bộ máy, kể cả bộ máy hành chính và bộ máy tổ chức của Đảng; đồng thời phải đảm bảo các công việc thường xuyên; và đồng thời đảm bảo yêu cầu tăng trưởng.

Tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Bộ chính trị, Trung ương bàn rất kỹ, cho ý kiến nhiều lần, đây là công việc rất hệ trọng, cần tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp - Ảnh 3.

Quang cảnh Tổ 13

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này chỉ tập trung phục vụ việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, không mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Theo đó, tập trung vào sửa đổi, bổ sung 08/120 điều, với 02 nhóm nội dung: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; Các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Từ ngày mai (6/5), Quốc hội sẽ dành 1 tháng để tiến hành lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp này, nếu Quốc hội quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 thì sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện, chức năng nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã, một phần chuyển cấp tỉnh. Mô hình chính quyền sẽ còn 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã.

Liên quan tới việc sáp nhập cấp tỉnh, dự kiến sau khi Chính phủ trình Quốc hội Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận cho ý kiến.

Nếu được Quốc hội chấp thuận nhấn nút thông qua, sẽ sáp nhập từ 63 tỉnh thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước