Nếu bạn từng nghĩ tuyển thủ Esports chỉ cần "tay to, aim tốt, phản xạ nhanh" là đủ thì… xin chia buồn, bạn vừa bỏ quên yếu tố quyết định đến thành bại trong thi đấu đỉnh cao: tâm lý thi đấu. Trong thế giới nơi mỗi mili-giây đều có thể là ranh giới giữa chiến thắng và thất bại, thì tâm lý học trong Esports không chỉ là chuyện phụ họa, mà là yếu tố sống còn.
Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao cùng là những game thủ top đầu, nhưng có người luôn duy trì phong độ ổn định, trong khi người khác cứ lên xuống như... chứng khoán?" Câu trả lời nằm ở khả năng quản lý áp lực tâm lý. Từ khóa tìm kiếm phổ biến như: "cách kiểm soát tâm lý trong thi đấu Esports", "tuyển thủ Esports đối mặt áp lực ra sao", hay "làm sao giữ phong độ trong game chuyên nghiệp" đều xoay quanh vấn đề này. Tâm lý không tốt khiến tuyển thủ mất tập trung, ra quyết định sai lầm và dễ bị "ngợp" trong các trận đấu quan trọng. Ngược lại, người kiểm soát tốt cảm xúc thường là người tỉnh táo đến phút cuối cùng – nơi những cú clutch làm nên tên tuổi.
(Đôi khi 1 pha xử lí lỗi do tâm lí "yếu: có thể đi toang cả trận đấu. Ảnh: Riot Games)
Chúng ta từng chứng kiến không ít trận đấu mà fan ngỡ ngàng thốt lên: “Sao lại quăng game vậy?” Thực tế, đó không phải là do trình độ giảm sút, mà là kết quả từ việc không làm chủ được tâm lý – có thể vì áp lực khán giả, vì tự ti sau vài pha thi đấu lỗi, hoặc đơn giản là… “bị ám ảnh bởi lần thua gần nhất”. Một ví dụ kinh điển là tuyển thủ Zven từng thừa nhận: “Có thời điểm tôi chỉ cần thua một game là đêm đó mất ngủ, ngày hôm sau đánh y như con máy, không cứu vãn nổi”. Lúc đó, kỹ năng không còn là vấn đề. Vấn đề là cái đầu.
Rất may, tâm lý cũng là thứ có thể luyện tập được, giống như luyện aim vậy. Nhiều đội tuyển lớn trên thế giới như T1, G2 hay Team Liquid đã có riêng chuyên gia tâm lý đi cùng đội trong suốt mùa giải. Các bài tập thở, thiền định, visualisation (hình dung trận đấu trước khi thi) hay thậm chí là viết nhật ký cảm xúc hằng ngày đã được áp dụng tại các trại huấn luyện. Nó giúp tuyển thủ hiểu rõ bản thân, nhận diện cảm xúc và kiểm soát phản ứng của mình tốt hơn trong trận.
(Tuyển thủ Device của bộ môn CS từng là một trong những nạn nhân về vấn đề tâm lí, anh đã từng phải thuê HLV tâm lí để vượt qua vấn đề này. Ảnh: ESL)
Trong khi các đội tuyển Hàn Quốc, Trung Quốc hay châu Âu đã chuyên nghiệp hóa công tác huấn luyện tâm lý từ rất sớm, thì tại Việt Nam, vấn đề này vẫn còn khá… “trừu tượng”. Nhiều tuyển thủ trẻ ở Việt Nam vẫn còn xem nhẹ chuyện tâm lý, cho rằng chỉ cần luyện tay đủ nhiều là được. Nhưng khi bước ra sân chơi lớn như MSI, Worlds hay SEA Games, họ mới nhận ra một sự thật phũ phàng: kỹ năng không phải là tất cả. Đã có không ít ví dụ về những màn thể hiện "đi vào lòng đất" chỉ vì không quen với sân khấu lớn, tiếng hò reo của khán giả hay sức ép từ truyền thông mạng xã hội.
(Ngay cả những ĐT LoL hàng đầu Việt Nam cũng mắc phải những vấn đề về tâm lí khi ra biển lớn)
Không thể không nhắc đến yếu tố mạng xã hội – nơi những lời khen thì ít mà "gạch đá" thì nhiều. Tuyển thủ thua một game là cả ngàn bình luận chỉ trích trút xuống, không khác gì "biển lửa". Fan cuồng đôi khi quên mất rằng người chơi cũng là con người, họ có lúc sai sót, có cảm xúc, có lúc mỏi mệt. Càng bị chỉ trích, họ càng tự tạo áp lực lên bản thân – điều hoàn toàn phản tác dụng. Thay vì trách họ "gánh không nổi", có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi: "Liệu mình có đang vô tình trở thành một phần khiến họ không thể giữ phong độ đỉnh cao?"
Trong cộng đồng game thủ, khái niệm mental boomer (tạm dịch: bùng nổ tâm lý) đã không còn xa lạ. Đó là khi tuyển thủ mất kiểm soát hoàn toàn, thi đấu như "gà mờ" và... đổ lỗi cho tất cả mọi thứ trừ chính mình. Có một câu từng được lan truyền rằng: "Game thua không phải vì trình kém, mà vì hôm đó bị người yêu nhắn tin giận dỗi". Nghe thì buồn cười, nhưng đúng là có những trận thua đến từ những nguyên nhân... không ai ngờ.
Tâm lý trong Esports đang dần trở thành một bộ môn khoa học được công nhận, không chỉ giúp tuyển thủ chơi hay hơn mà còn sống lành mạnh hơn trong môi trường áp lực cực lớn. Từ việc ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học, đến tập luyện thể chất và tinh thần – tất cả đều góp phần giữ vững phong độ đỉnh cao. Hơn cả kỹ năng cá nhân, sự ổn định tâm lý là điều khiến một game thủ giỏi trở thành huyền thoại. Và có lẽ đã đến lúc các đội tuyển Việt Nam nên nghiêm túc hơn với việc này, nếu muốn tiến xa hơn trên bản đồ Esports thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!