Có một sự thật không thể chối cãi: tuyển thủ Esports Việt Nam không hề nghèo, nhưng cũng chẳng thể gọi là giàu – ít nhất là khi đem ra so sánh với những đồng nghiệp quốc tế đến từ các khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, hay Bắc Mỹ. Và dù ngành công nghiệp Esports đang dần được công nhận là một ngành nghề chính thống, thì thu nhập tuyển thủ Esports Việt Nam vẫn còn là một câu chuyện vừa buồn, vừa hài.
Ở Việt Nam, theo nhiều nguồn tin không chính thức nhưng “ai trong ngành cũng hiểu ngầm”, một tuyển thủ chuyên nghiệp có thể nhận được mức lương dao động từ 15 - 50 triệu đồng/tháng, tùy vào danh tiếng và đội tuyển. Những tuyển thủ top đầu như Levi (Đội GAM), hay những cái tên kỳ cựu trong các tựa game như LMHT, Tốc Chiến, Free Fire, PUBG Mobile,... có thể đạt mức thu nhập cao hơn, từ 70 - 100 triệu đồng/tháng – nếu tính luôn cả tiền thưởng và stream.
Nghe thì có vẻ ổn. Nhưng nếu đem ra so sánh với thu nhập tuyển thủ Esports Hàn Quốc, nơi một “rookie” (tuyển thủ mới) cũng có thể nhận khoảng 10.000 - 15.000 USD/tháng (tương đương 250 - 350 triệu đồng), thì mọi thứ bỗng trở nên “khá tủi thân”. Ở Trung Quốc, con số ấy còn “đi vào lòng người” hơn khi một tuyển thủ top 3 quốc nội có thể thu về cả triệu USD/năm, chưa kể tiền thưởng từ các nhà tài trợ, hợp đồng quảng cáo, livestream trên nền tảng nội địa như Douyu hay Huya.
(Tại Hàn Quốc, những tuyển thủ trẻ đều được "ăn tập" đầy đủ và có một mức lương nhiều người mơ ước )
Tuyển thủ Esports Bắc Mỹ – đặc biệt là trong các bộ môn như Valorant, LoL hoặc Call of Duty – thậm chí còn có thu nhập khủng hơn cả CEO mới khởi nghiệp. Mức lương phổ biến ở đây dao động từ 20.000 – 40.000 USD/tháng, chưa kể tiền thưởng theo mùa và hợp đồng quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng không nhỏ. Áp lực truyền thông, chỉ trích từ cộng đồng và đặc biệt là nguy cơ “bị thanh lý hợp đồng sau 1 mùa” khiến nhiều tuyển thủ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài. Đúng là “có tiền chưa chắc đã vui”. Còn tuyển thủ Việt Nam thì sao? Vẫn đi đánh giải bằng vé máy bay giá rẻ, ở khách sạn 3 sao và gọi nhau “chơi cho vui” dù đang ở tầm chuyên nghiệp. Một số người vẫn phải làm thêm các nội dung khác hoặc nhận các công việc quảng cáo lẻ để có thêm thu nhập.
Lương tuyển thủ thấp hay cao không chỉ là câu chuyện của người chơi, mà còn phản ánh mức độ phát triển của hệ sinh thái Esports quốc gia. Ở Việt Nam, ngoại trừ một số tên tuổi như VNG, VTVcab hay Garena (trước khi rút), phần lớn tổ chức Esports vẫn hoạt động với ngân sách hạn chế, chủ yếu dựa vào tiền tài trợ và giải đấu. Câu hỏi đặt ra: Khi giải đấu nội địa không đủ lớn, giải thưởng không đủ hấp dẫn và thị trường vẫn xem Esports là “trò chơi cho trẻ trâu”, thì lấy đâu ra tiền để trả lương trăm triệu cho mỗi tuyển thủ? Ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, Esports đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Chính phủ hỗ trợ, doanh nghiệp rót vốn, cộng đồng đông đảo – tất cả tạo ra hệ sinh thái nuôi sống cả đội ngũ tuyển thủ, huấn luyện viên, nhà tổ chức và streamer. Còn ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang loay hoay ở giai đoạn “có giải là mừng rồi anh ơi”.
(Các tuyển thủ của Việt Nam thường rất khó khăn trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp. Họ ít được quan tâm và thường không được tập luyện bài bản nhiều)
Cũng cần phải công bằng mà nói: không phải tuyển thủ Việt Nam nào cũng “khổ”. Một số bạn trẻ mới chỉ 18 - 20 tuổi nhưng đã có thể mua xe máy xịn, iPhone đời mới, thậm chí chu cấp cho gia đình từ tiền Esports. Đấy là điều mà một sinh viên đại học chính quy học 4 năm chưa chắc làm được. Ngoài ra, môi trường Esports Việt Nam hiện tại cũng dần trở nên chuyên nghiệp hơn với lịch tập luyện rõ ràng, có huấn luyện viên, phân tích viên, đặc biệt là các chế độ hỗ trợ từ nhà phát hành game như Riot hay Tencent. Tuy vậy, chính tuyển thủ Việt Nam cũng chia sẻ rằng họ cảm thấy “chênh lệch đẳng cấp” khi ra thi đấu quốc tế. Không phải chỉ ở kỹ năng, mà còn là thái độ chuyên nghiệp, chế độ ăn uống, tư duy thi đấu và cách được đối xử như một VĐV thực thụ.
Thử tưởng tượng nhé: bạn chơi game giỏi, lên chuyên nghiệp, vô địch quốc nội – và sau tất cả, lương tháng của bạn bằng với một kỹ sư CNTT mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Cảm giác như cày rank lên Thách Đấu mà bị mất kết nối mạng lúc trận quyết định vậy! Dẫu biết so sánh kiểu này hơi khập khiễng, nhưng nó cũng phản ánh một điều: giấc mơ làm tuyển thủ Esports vẫn còn nhiều gian nan ở Việt Nam. Chưa kể độ tuổi nghề ngắn, chấn thương tay, mắt, stress và áp lực cộng đồng đều là rào cản lớn.
Muốn tuyển thủ Việt được tăng lương? Hãy bắt đầu từ việc nâng tầm giải đấu trong nước, cải thiện cơ chế đầu tư cho các tổ chức Esports, thu hút nhà tài trợ dài hạn và – quan trọng hơn cả – thay đổi định kiến xã hội về Esports. Bên cạnh đó, cần đầu tư bài bản cho đào tạo trẻ, tổ chức thêm các sự kiện cộng đồng, lan tỏa hình ảnh tuyển thủ như một nghề nghiệp đáng mơ ước thay vì “người chơi game nhiều giờ”. Nếu mọi thứ được thực hiện bài bản và đúng hướng, thì biết đâu trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ có những tuyển thủ triệu USD, góp phần đưa cái tên “Vietnam Esports” bay xa không chỉ trên bảng xếp hạng mà cả… bảng lương!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!